Giải quyết tranh chấp lao động từ gốc, đúng luật định

Năm 2021, tình hình tranh chấp lao động tập thể tại thành phố Hồ Chí Minh giảm so với những năm trước, nhưng tranh chấp lao động cá nhân lại tăng. Ngăn ngừa tranh chấp lao động từ gốc, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động là những vấn đề đặt ra cho các công đoàn cơ sở tại thành phố.

Công đoàn viên chức thành phố tổ chức lớp tập huấn kỹ năng đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn cơ sở.
Công đoàn viên chức thành phố tổ chức lớp tập huấn kỹ năng đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ Công đoàn cơ sở.

Theo Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, tình hình tranh chấp lao động tập thể tại thành phố giảm so với những năm trước, song tranh chấp lao động cá nhân lại tăng do tác động của dịch Covid-19. Phó Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Nguyễn Văn Hạnh Thục cho biết: Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động gửi đến thanh tra nổi lên vấn đề vì lý do kinh tế, do dịch Covid-19 cho nên một số doanh nghiệp không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình như việc trả lương, tham gia Bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ, cắt giảm thời gian làm việc, ngày công... dẫn đến khiếu nại, tranh chấp.

Cũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố nhận thấy doanh nghiệp hoặc chủ sử dụng lao động chưa nắm hết các quy định của pháp luật dẫn đến không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quan hệ lao động, vi phạm pháp luật về lao động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Là doanh nghiệp chuyên ngành nghề may giày, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) có số lượng lao động đông, gần 2.000 công nhân. Chủ tịch Công đoàn công ty Huỳnh Thị Liên chia sẻ: Để người lao động yên tâm làm việc, không để phát sinh tranh chấp lao động, công ty và công đoàn phải công khai thang bảng lương, các chế độ phúc lợi, xây dựng thỏa ước lao động bằng hoặc cao hơn quy định. Công ty cũng luôn thông tin sớm quy định thưởng, khen thưởng trước Tết Nguyên đán và công khai đến toàn thể người lao động, qua đó giúp họ yên tâm làm việc, chủ động hơn về kế hoạch chi tiêu của mình.

Theo bà Liên, sau đợt dịch vừa qua số lượng công nhân không quay lại nhà máy do về quê, chuyển việc chỉ chiếm 10% cho nên tình hình sản xuất không bị tác động nhiều, đây cũng là điều kiện để công ty nỗ lực thu hút và giữ chân người lao động bám trụ làm việc. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh cho biết: Phần lớn tranh chấp lao động tập thể xuất phát từ các vụ tranh chấp lao động cá nhân. Nguyên nhân là do doanh nghiệp vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tại huyện Bình Chánh, căn cứ theo quy định của pháp luật, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện là cơ quan tiếp nhận đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động của người lao động và căn cứ theo khoản 3, Điều 181 Bộ luật Lao động để liên hệ, chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động (đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động) trong thời hạn năm ngày làm việc; đồng thời, thống nhất thời gian tiến hành hòa giải để gửi giấy mời các bên có liên quan tham dự buổi hòa giải.

Trong buổi tọa đàm mới đây về “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân” do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức, Liên đoàn Lao động thành phố nhận định: Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong thời gian qua tuy có chiều hướng giảm, song vẫn có nhiều diễn biến khó lường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 bởi nhiều nguyên nhân như: Các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản...

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chí Tâm, phần nhiều tranh chấp lao động đều là lỗi của người sử dụng lao động cho nên để ngăn ngừa tranh chấp cần tăng cường, mở rộng các hình thức tuyên truyền pháp luật cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động, nhất là tâm tư tình cảm, việc làm, thu nhập của người lao động cũng như việc thực hiện pháp luật tại đơn vị, doanh nghiệp, từ đó đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ vướng mắc. Công đoàn cơ sở chính là cầu nối để người sử dụng lao động và người lao động đối thoại, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, tâm tư, nguyện vọng ■