Doanh nghiệp bán lẻ chuyển mình theo dịch

Liên doanh hợp tác, kinh doanh thực phẩm tươi ngon, thay đổi phương thức bán hàng... là những cách được nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh triển khai nhằm kích cầu tăng trưởng cuối năm.

G Market "số hóa" dịch vụ bán hàng.
G Market "số hóa" dịch vụ bán hàng.

Giữa tháng 11 vừa qua, chợ đa năng G Market đã được Grove Group triển khai tại nhiều quận ở TP Hồ Chí Minh. Đây là mô hình bán lẻ hơn 10.000 mặt hàng thiết yếu ứng dụng “số hóa”. Điểm thu hút đặc biệt của mô hình này là toàn bộ quy trình mua sắm được tự động hóa. Người tiêu dùng khi đặt mua trên website sẽ được cấp một mã số riêng. Khi đến kho hàng tự động chỉ cần nhập mã số này là sẽ lấy được hàng. Khách hàng cũng có thể chọn hình thức giao hàng tận nơi nếu không muốn lấy tại cửa hàng. Tổng Giám đốc Grove Group Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: “Mô hình được lựa chọn nhằm tránh đến mức thấp nhất việc tiếp xúc khi mua hàng, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh dịch”. Sau dịch, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm tươi, sạch, giúp tăng cường sức đề kháng. Nắm bắt nhu cầu này, MM Mega Market Việt Nam (MM) đẩy mạnh thương hiệu thực phẩm tươi sống “We are Fresh”, chiến lược kinh doanh theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn, đối với các dòng sản phẩm rau củ quả, trái cây, thịt heo và thủy sản, hải sản ngay khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Trích dẫn số liệu từ FMCG Gurus hồi tháng 7/2020, Tổng Giám đốc điều hành của MM Bruno Jousselin cho biết: 60% số người tiêu dùng khi đó bày tỏ sự quan tâm việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong 12 tháng tới. Họ chủ động tiếp cận các loại thực phẩm dinh dưỡng chức năng và những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên. “Mô hình này không chỉ giúp chúng tôi kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn chủ động trong quản lý hiệu quả nguồn cung. Từ đó, khách hàng có thể tiếp cận nguồn sản phẩm dồi dào, đa dạng ở mức giá tốt nhất. Mặt khác, người nông dân luôn được bảo đảm đầu ra ổn định, giúp họ gắn bó với nghề, tự tin phát triển trang trại, đem lại thu nhập và cuộc sống sung túc hơn”, ông Bruno Jousselin nhấn mạnh. Ở lĩnh vực thức uống tươi đóng chai, liên doanh Vinamilk và Kido - Công ty Vibev cũng bắt kịp xu hướng “an toàn, tốt cho sức khỏe” khi ra mắt thương hiệu Oh Fresh với hai sản phẩm đầu tiên là sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi ngay trong tháng 11 vừa qua. Các sản phẩm được làm nên từ nguồn nông sản tươi tự nhiên trong quy trình sản xuất tự động khép kín. “So với ngành hàng nước giải khát có gas thì giải khát không gas là nhóm ngành vô cùng tiềm năng vì người tiêu dùng trong nước hiện nay đã ngày càng quan tâm đến sức khỏe của bản thân”, Tổng Giám đốc Vibev Mai Xuân Trầm nhìn nhận.

Đánh giá tình hình dịch tại các vùng nông thôn ít ảnh hưởng dịch bệnh hơn những thành phố lớn, đô thị đông đúc, Thế Giới Di Động đã mở hàng loạt cửa hàng Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh... “siêu nhỏ”, với diện tích từ 80 đến 120 m2 để phục vụ người dân. Hiện nay, hệ thống này đã có 670 cửa hàng đi vào hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố. Từ việc ăn nên làm ra khi là đầu mối sỉ cung cấp thủy, hải sản cho hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn lớn trước dịch, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia rối bời khi kinh doanh giảm sút hơn 80%, hàng hóa ùn ứ bởi khách hàng đồng loạt đóng cửa, ngừng kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19. “Để thích ứng kinh doanh trong dịch, doanh nghiệp chuyển hướng sang bán lẻ hải sản đã chế biến sẵn qua hình thức trực tuyến, mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử. Sự thay đổi này đã giúp công ty giải quyết được lượng lớn hải sản tồn kho, ổn định việc làm cho nhân viên. Hiện chúng tôi thành lập chín chi nhánh bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh cung ứng hải sản tươi sống và chế biến mang đi”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia Trần Văn Trường phấn khởi nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh đã thúc đẩy hoạt động mua sắm của người dân theo xu hướng có kế hoạch và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý, an toàn. Do đó, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ nói riêng và giữ nhịp ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp trong cơn bão dịch. Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể ISM, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ Ngô Đình Dũng cho rằng, xu hướng tiêu dùng chuyển sang “đi chợ” trực tuyến đang trở thành áp lực lớn không chỉ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp mà cả doanh nghiệp bán hàng lâu năm. Do hạ tầng logistics còn nhiều yếu kém, chi phí cao, hệ thống kho bãi thiếu hụt (nhất là kho bãi lạnh)… trong khi người tiêu dùng luôn muốn được giao hàng nhanh, nhu cầu mua online tăng mạnh, đòi hỏi một quá trình đầu tư nhiều công sức của doanh nghiệp. Nhưng nếu biết tận dụng thời cơ, chuyển đổi sớm, triển khai quyết liệt thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.