Đi chợ giúp dân vùng dịch

Có những ngày “đi chợ giúp dân” gần 8.000 đơn hàng với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Công việc ví như “làm dâu trăm họ” ấy được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quận Bình Thạnh cùng các tình nguyện viên đã cố gắng làm tốt khi thành phố siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 tăng cường.

Các tình nguyện viên mua thực phẩm giúp người dân phường 7, quận Bình Thạnh.
Các tình nguyện viên mua thực phẩm giúp người dân phường 7, quận Bình Thạnh.

Đến trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh (Hội Phụ nữ quận) trên đường Hoàng Hoa Thám những ngày này dễ nhận thấy các cán bộ, nhân viên ở đây khoảng 10 người luôn tất bật phân chia hàng trăm túi an sinh gửi tặng những người khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ còn giữ trọng trách khác là tổ chức và hỗ trợ trực tiếp chương trình “Đi chợ giúp dân”.

Từ ngày 27/7, Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh đã triển khai chương trình “Đi chợ giúp dân” đồng loạt trên địa bàn 20 phường của quận. Đối tượng được ưu tiên đi chợ hộ là người dân trong các khu phong tỏa có F0, F1, các cụ già neo đơn. Thông tin cần thiết về hàng hóa, giá cả và cách thức đặt hàng được cung cấp cho người dân thông qua ứng dụng zalo hay các trang thông tin của quận. Các tình nguyện viên tại các cơ sở hội sẽ tiếp nhận và chuyển đơn đặt hàng đến các nhà cung ứng. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng cho nên khi thành phố siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 23/8, quận Bình Thạnh đã triển khai chương trình “Đi chợ giúp dân” rất nhanh chóng cho mọi đối tượng, được người dân tin tưởng.

Tra tìm các số liệu thống kê trên máy tính, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh, chia sẻ: Trong ngày 23/8, tổng số tiền các đơn hàng là 1,1 tỷ đồng, sau đó tăng lên mức 2 đến 3 tỷ đồng mỗi ngày. Đỉnh điểm có ngày lên tới 3,4 tỷ đồng với hơn 7.800 đơn hàng của người dân.

Theo thống kê, từ ngày 27/7 đến 9/9, Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh cùng các tình nguyện viên đã đi chợ giúp cho 119 triệu lượt với tổng số hơn 52,5 tỷ đồng tiền hàng hóa. Hội Phụ nữ quận là đầu mối kết nối, tháo gỡ khó khăn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình. Khi siêu thị có nguy cơ thiếu hàng, Hội liên hệ với Sở Công thương làm việc với nhà cung ứng điều tiết hàng đầy đủ, kịp thời. Khi hệ thống siêu thị quá tải, Hội phối hợp các phường tăng cường thêm tình nguyện viên giúp các siêu thị lựa chọn hàng hóa, giao hàng kịp thời đưa đến người dân.

Ông Lê Anh Luân (74 tuổi), ở tổ 7, khu phố 1, phường 12, quận Bình Thạnh, cho biết: “Lúc đầu, tôi nghĩ chương trình khó triển khai lắm vì làm sao đáp ứng đủ nhu cầu người dân được. Tôi đăng ký mua hàng qua tổ dân phố với tâm lý được thì tốt, không được thì thôi. Nhưng thật bất ngờ, khi trời đang mưa, tôi nghe tiếng gọi cửa của một tình nguyện viên với túi đồ trên tay. Bạn trẻ đưa cho tôi hàng hóa và phiếu tính tiền của siêu thị. Mọi thứ thật nhanh, gọn. Gia đình tôi ba thế hệ ở chung nhưng thực hiện giãn cách không thể ra ngoài mua thực phẩm. Việc tổ chức đi chợ giúp dân như thế này khiến tôi cảm kích vô cùng. Tôi đã đăng ký mua hàng nhiều lần qua zalo của tổ dân phố rồi, lần nào cũng ổn, hàng hóa đầy đủ, chất lượng cho nên rất yên tâm”.

Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh còn làm cầu nối với các nhà cung ứng thực phẩm ở miền Tây Nam Bộ. Nhờ đó, người dân có thể đặt mua các mặt hàng thủy, hải sản tươi ngon với mức giá gốc nhà cung ứng thông báo. Hội Phụ nữ quận tổ chức mua thuốc chữa bệnh giúp dân. Sau khi chuyển thông tin đơn thuốc qua mạng, nhà thuốc sẽ cử các dược sĩ tư vấn cho người bệnh rồi cung ứng thuốc sau khi hai bên đã thống nhất đơn thuốc, giá tiền. Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh cũng đã tổ chức đi chợ giúp người nước ngoài, lập một trang thông tin riêng sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp, có bảy bạn tình nguyện viên hỗ trợ phiên dịch và tiếp nhận các đơn hàng của khách. Từ ngày 28/7 đến 9/9, Hội Phụ nữ quận Bình Thạnh đã tổ chức đi chợ được 300 đơn hàng cho người nước ngoài.

Trong quá trình thực hiện “Đi chợ giúp dân”, ngoài áp lực phải chạy đua thời gian giao nhiều đơn hàng, có những hôm lực lượng tình nguyện phải giao hàng đến tận 23 giờ đêm. Nhiều cán bộ Hội Phụ nữ quận trao đổi thông tin đến 1-2 giờ sáng là chuyện thường. Đó là chưa kể những sự cố ngoài ý muốn.

Bà Nguyễn Thị Loan cho biết: “Khi dịch bệnh xảy ra, có nhiều người rất khổ vì mất việc làm, không có thu nhập cho nên chúng tôi nghĩ giúp được người dân càng nhiều càng tốt. Công việc có mệt nhưng chúng tôi cùng 1.200 tình nguyện viên đã xác định phải nỗ lực hơn để phục vụ người dân. Các cán bộ Hội Phụ nữ quận thường xuyên xuống tận cơ sở cùng sát cánh làm việc, động viên và hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn để các bạn yên tâm hơn. Có những việc chúng tôi chưa từng làm như phải cân, đong, tiền nong và hàng hóa cho cả trăm hộ dân. Chúng tôi tự hào vì đến giờ này đã phát huy được tinh thần đảm đang làm “tròn vai” trọng trách của mình, chung tay cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch Covid-19” ■