Để dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả

Dạy và học trực tuyến là lựa chọn tối ưu khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi dạy và học trực tuyến đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mà ngành giáo dục thành phố cần khắc phục để nâng cao chất lượng giáo dục trên không gian mạng.

Một học sinh Trường tiểu học Bùi Văn Ba (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) học trực tuyến. Ảnh: Thế Anh
Một học sinh Trường tiểu học Bùi Văn Ba (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) học trực tuyến. Ảnh: Thế Anh

Theo thống kê, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 55% học sinh (HS) phải chuyển sang học trực tuyến. Trong số này có 57% HS nhận thấy bài giảng khó hiểu hơn so với học trực tiếp. Việc thay đổi trạng thái tâm lý của HS, thiếu thiết bị điện tử, đường truyền... cũng là những thách thức lớn cho việc dạy và học trực tuyến hiện nay.

Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, dạy và học trực tuyến đặt ra những thách thức, khó khăn cho nhà trường, giáo viên, các bậc cha mẹ và HS. Nhiều trường học, giáo viên và HS, nhất là ở bậc tiểu học, chưa chuẩn bị tâm lý ứng phó khi chuyển sang học trực tuyến, do đó việc chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để dạy và học chưa được thực hiện chu đáo. Nhiều phụ huynh, HS chưa tiếp cận các phần mềm dạy và học trực tuyến cho nên khá khó khăn khi tương tác và giao tiếp trên các phần mềm này.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dạy và học trực tuyến gặp thách thức về phương pháp, kỹ năng trong dạy và học; không gian, kế hoạch dễ bị xáo trộn; tài liệu được thiết kế cho học trực tiếp chứ không thiết kế dành riêng cho việc dạy và học trực tuyến... Tuy nhiên, đây được xem là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Thời gian đầu triển khai thực hiện chắc chắn có nhiều khó khăn nhưng về lâu dài giáo viên, HS sẽ thích nghi và triển khai dễ dàng hơn. Học trực tuyến cũng là cơ hội để HS thích nghi với tình hình mới, giúp HS tự học, tự vượt qua khó khăn và sáng tạo trong học tập.

Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) TP Hồ Chí Minh Lê Duy Tân cho biết, ngành GD và ÐT thành phố xác định dạy và học trực tuyến vừa là nhiệm vụ chung của toàn ngành, vừa đồng hành cùng xã hội giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập. Mục đích dạy học trong thời điểm này không nhằm chạy theo tiến độ, nội dung kiến thức mà cần tạo môi trường cho các em tiếp tục học tập một cách tốt nhất. Dạy học trên không gian mạng là chuỗi hoạt động kết hợp nhiều hoạt động, giao nhiệm vụ cho HS chứ không chỉ dạy học như một hình thức dạy học trực tuyến một chiều.

Theo Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh, dạy và học trực tuyến tuy mới nhưng không lạ đối với HS tại thành phố. Các đợt dịch trước đây HS của thành phố đã được học trên internet, trên truyền hình, video clip… Trong những năm gần đây, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, ngành GD và ÐT thành phố đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để trang bị kỹ năng, phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thiết kế các bài giảng điện tử.

Theo các chuyên gia, muốn dạy và học trực tuyến có hiệu quả, giáo viên giảm bớt lý thuyết, sáng tạo trong từng buổi dạy, tăng thời gian tương tác với HS giúp các em không mất tập trung, tiếp thu bài tốt nhất. Cha mẹ học sinh cũng cần phải xác định học trực tuyến là một xu hướng và đồng hành cùng HS, nhất là ở bậc tiểu học. Tạo cho HS có một môi trường học trực tuyến tốt nhất, đừng tạo áp lực cho HS mà dẫn dắt các em tiếp cận, thích nghi với môi trường học trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết thêm, đối với HS nhỏ tuổi, khi bắt đầu học trực tuyến, cha mẹ cần phải kết nối chặt chẽ với giáo viên để có cách giúp HS học tập tốt nhất. Với giáo viên, cách thay đổi đầu tiên là giảm thời gian thuyết trình, tăng các cách thức tương tác với HS; sử dụng nhiều hình ảnh trực quan sinh động để mô tả, mô phỏng nội dung học, liên hệ thực tế, hướng dẫn HS tự học kỹ hơn và luôn tóm tắt, nhắc lại những nội dung trọng tâm cho mỗi lần lên lớp.

Cần xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ, các phần mềm ứng dụng, kho học liệu đa dạng, phong phú, nâng cao chất lượng tập huấn kỹ năng sư phạm dạy học trực tuyến cho giáo viên, đồng thời xây dựng các phương án dạy học qua truyền hình, các nền tảng khác. Ngành giáo dục cần nghiên cứu sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, có phương án, kế hoạch học trực tuyến cho từng lứa tuổi ■

Theo thống kê của Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh, ở bậc tiểu học có 94,34% HS tham gia học trực tuyến; 0,73% HS đăng ký học tạm tại tỉnh, thành phố khác. Bậc trung học có gần 94% HS trung học cơ sở; 97,52% HS trung học phổ thông tham gia học trực tuyến. Ngoài ra, có 0,21% HS trung học cơ sở và 0,07% HS trung học phổ thông đăng ký học tạm tại các tỉnh, thành phố khác.

KHÁNH TRÌNH