Đẩy mạnh hỗ trợ vốn ưu đãi cho doanh nghiệp

Trong những tháng cuối năm 2021, ngành ngân hàng TP Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ và gói tín dụng ưu đãi dành cho cộng đồng kinh tế, phấn đấu ký kết thêm 70 nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi.

Ðại diện doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng thương mại ở TP Hồ Chí Minh.
Ðại diện doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng thương mại ở TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong những tháng đầu năm nay, ngành ngân hàng thành phố đã tích cực triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thiệt hại do đại dịch Covid-19 theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tổng giá trị nợ được hỗ trợ lũy kế đến thời điểm cuối tháng 8/2021 đạt 1.616.344 tỷ đồng. Ðến nay, hiện có 406.410 khách hàng còn dư nợ với số tiền 470.195 tỷ đồng. Trong đó, có 151.336 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hơn 62 nghìn khách hàng được miễn, giảm lãi suất; hơn 193 nghìn khách hàng được cho vay vốn mới với doanh số gần 335 nghìn tỷ đồng. Còn với Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trong năm 2021 có 11 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 312.045 tỷ đồng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VNÐ và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung, dài hạn; cùng với các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ... Trong đó, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố đã phối hợp hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố tổ chức Hội nghị kết nối chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn năm huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, với tổng số tiền ký kết là 582 tỷ đồng, cho vay 115 khách hàng... Tính chung đến ngày 20/10, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giải ngân được 216.571 tỷ đồng cho 19.278 khách hàng (trong tổng số vốn tín dụng đã ký kết là 257.602 tỷ đồng và 21.825 khách hàng).

Một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là Công ty USM Healthcare (doanh nghiệp trong nước, sản xuất thiết bị y tế, nhà máy đặt tại Khu Công nghệ cao thành phố). Ðại diện Công ty USM Healthcare cho biết: Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhờ các đợt hỗ trợ giảm lãi suất vốn vay và tài trợ thêm vốn của Ngân hàng Nhà nước mà công ty đã duy trì được hoạt động sản xuất với 80% nhân viên thực hiện "ba tại chỗ", 20% nhân viên làm việc tại nhà. Công ty vẫn bảo đảm được các đơn hàng cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, thu nhập của nhân viên vẫn ổn định... Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Trong các tháng còn lại của năm nay, ngành ngân hàng thành phố sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ cho doanh nghiệp theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, cố gắng đáp ứng tốt nhu cầu vốn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số ngành và lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế như: Xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, chế biến (lương thực, thực phẩm, nông, lâm, thủy, hải sản), y tế, logistics và khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình và giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Tăng cường công tác đối thoại doanh nghiệp theo nhiều kênh khác nhau; tập trung việc tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp và chương trình, kế hoạch đã đề ra trong năm nhưng bị chậm trễ, khó khăn do giãn cách xã hội; nắm bắt và phản ánh kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước về các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán liên quan hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng nói chung và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng để các tổ chức tín dụng trên địa bàn biết và thực hiện... Từ nay đến cuối năm 2021, ngành ngân hàng thành phố phấn đấu ký kết các hợp đồng tín dụng và giải ngân thêm 70 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng yêu cầu các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện chủ động và sâu sát thực tế hơn nữa trong việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, nhất là vấn đề vốn tín dụng; không để doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn. Trong đó, yêu cầu TP Thủ Ðức và mỗi quận, huyện phải phối hợp ngành ngân hàng tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (hoặc buổi ký kết hợp đồng tín dụng) trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021. Cùng với đó, yêu cầu Hiệp hội doanh nghiệp thành phố cùng các tổ chức, đơn vị liên quan phát huy hơn nữa vai trò đầu mối, cầu nối để có thể hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp và đơn vị kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng kinh tế duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðồng chí Phan Thị Thắng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sớm phối hợp Sở Công thương thành phố, các ngân hàng đang kinh doanh trên địa bàn và các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thêm chính sách tín dụng ưu đãi, kịp thời và phù hợp hơn nữa, chú trọng việc giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp ở thành phố, nhất là những ngành nghề bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề như du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ẩm thực...