Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng việc thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn còn không ít hạn chế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong bốn tháng đầu năm 2022 ở mức rất thấp, chỉ đạt 9,25%.

Dự án đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đoạn qua Xa lộ Hà Nội đang được hoàn thiện. (Ảnh Quý Hiền)
Dự án đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đoạn qua Xa lộ Hà Nội đang được hoàn thiện. (Ảnh Quý Hiền)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố đã giải ngân trong bốn tháng đầu năm nay là hơn 2.956 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,25% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,648 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương (gồm vốn ngân sách trung ương trong nước và vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương) đã giải ngân 36,382 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 1,47% tổng kế hoạch vốn giao (2.479,64 tỷ đồng).

Còn vốn ngân sách địa phương (gồm vốn ngân sách thành phố và vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ) đã giải ngân gần 2.920 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,91% tổng kế hoạch vốn giao (hơn 29.464 tỷ đồng). Đáng chú ý là nhiều đơn vị được giao vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp như: Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (được giao 2.476 tỷ đồng, giải ngân đạt 3,79%), Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (được giao 4.177 tỷ đồng, giải ngân đạt 5,15%), UBND quận Tân Bình (được giao 1.355 tỷ đồng, giải ngân đạt 7,37%)...

 Đặc biệt, có 34 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch (tỷ lệ giải ngân là 0%), trong đó, có 10 đơn vị được giao vốn lớn hơn 50 tỷ đồng là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu Công nghệ cao, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 2, Ban quản lý Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh điện lực, Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong bốn tháng đầu năm 2022 đạt 9,25% là thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (đạt tỷ lệ 17%). Nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, những khó khăn và vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật về đầu tư công và sử dụng vốn ODA...

Cùng với đó là những nguyên nhân chủ quan như: Các khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng; cần phải có thêm thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trên cơ sở các quy định liên quan của HĐND và UBND thành phố. Một số dự án sử dụng vốn ODA hiện chưa giải ngân do vừa thực hiện xong hoặc đang thực hiện các thủ tục về đầu tư, vướng mặt bằng thi công, nhà thầu thiếu thiện chí hợp tác triển khai. Theo Kho bạc Nhà nước thành phố, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, một phần là do một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa thật sự quyết liệt chỉ đạo và ban hành kịp thời các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trách nhiệm và năng lực của một số nhà thầu chưa được phát huy đầy đủ; vẫn còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan… Ở các công trình lớn, trọng điểm còn xuất hiện tình trạng thi công theo kiểu “cầm chừng” để chờ giá vật tư, vật liệu xây dựng giảm hoặc chờ bổ sung nguồn lực…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai đã đề xuất một số giải pháp: Trước hết, các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, các chủ đầu tư, doanh nghiệp… gấp rút xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và triển khai Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (do UBND thành phố ban hành ngày 26/4/2022) theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện kịp thời các nội dung.

Các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân vốn của các dự án do mình quản lý và thực hiện, bám sát tiến độ giải ngân đã đăng ký nhằm hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Các sở, ngành cần tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư dự án; trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết, không làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của thành phố. Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Nguyễn Hoàng Hải đề nghị, UBND thành phố cần kiên quyết xử lý trách nhiệm các bên liên quan và các chủ đầu tư có nhiều dự án điều chỉnh, gia hạn nhiều lần.

UBND thành phố cần kiên quyết xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc việc lập thủ tục thanh toán cho dự án trong thời hạn bốn ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu; cần tăng cường kỷ cương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư với kết quả giải ngân. Người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư phải cam kết tỷ lệ giải ngân bằng văn bản với UBND thành phố ngay từ khi đề xuất ghi kế hoạch vốn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công nên là một căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý: Các sở, ngành phải làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác đầu tư công. Danh mục đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm; phải xác định vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị quản lý, từng chủ đầu tư. Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần năng động tìm kiếm, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để triển khai đầu tư dự án, chẳng hạn như lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu; cần duy trì việc giao ban, giám sát hằng tháng, hằng quý giữa các sở, ngành và đơn vị liên quan để theo dõi tiến độ, đánh giá, giải quyết kịp thời các vướng mắc ở từng dự án. UBND thành phố sẽ sớm thành lập hai tổ công tác về đầu tư công, một tổ tập trung vào dự án vốn lớn nhưng giải ngân chậm, đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ; một tổ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng.

Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và tổ chức hội nghị hướng dẫn các thủ tục liên quan đến đầu tư; sớm phân bổ vốn dự phòng liên quan đến 44 dự án chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Những dự án nào cần thông qua HĐND thành phố để điều chỉnh thì phải trình ngay trong kỳ họp tới để HĐND thành phố xem xét giải quyết sớm, không để dồn vào cuối năm.