Cùng công nhân vượt qua khó khăn

Quay trở lại guồng làm việc sau thời gian dịch Covid-19, nhiều công nhân đối mặt với vòng xoáy “bão giá”. Để đồng hành cùng người lao động, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định nâng lương trước hạn, tăng chế độ phúc lợi... giúp công nhân vượt qua lúc khó khăn.

Công ty In số 7 quyết định tăng thu nhập cho toàn bộ công nhân viên trong tháng 5/2022.
Công ty In số 7 quyết định tăng thu nhập cho toàn bộ công nhân viên trong tháng 5/2022.

Đến khu nhà trọ trên đường An Dương Vương (Phường 16, Quận 8) lúc chiều muộn, nhiều công nhân đang chuẩn bị bữa ăn tối đạm bạc. Võ Thị Kim Thanh (18 tuổi, công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn) cho hay, mỗi tháng lương của cô được tầm năm triệu đồng vừa đủ để chi tiêu ăn uống, nhà trọ. “Em còn có mẹ và chị làm công nhân, ba em ốm đau cần tiền thuốc thang, em trai nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 cho nên có nhiều khoản chi tiêu. Từ sau dịch đến nay, công ty làm ăn khó khăn, đơn hàng ít, công nhân chỉ làm việc đến thứ sáu hằng tuần. Thời gian còn lại, em cũng muốn kiếm gì buôn bán hoặc đi học thêm nhưng khó quá vì... không có vốn”-Thanh nói.

Cũng trong xóm trọ này, ông Nguyễn Thanh Khoa (56 tuổi, công nhân khâu cắt sắt) cho hay, hai vợ chồng làm việc từ sáng đến tối mịt nhưng thu nhập chỉ tầm từ 10 triệu đến 12 triệu đồng. Trong đó mỗi tháng, tiền nhà trọ, điện nước hết 1,5 triệu đồng; gửi về quê cho hai người con hết 3 triệu đồng; số còn lại để ăn uống, bệnh đau... “Tằn tiện hết mức nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi mọi thứ tăng giá, tôi gần như bỏ hẳn cà-phê vỉa hè với bạn bè.

Ăn sáng cũng gói mì tôm, tô cơm nguội ở nhà vì những món bình dân như gói xôi, ổ bánh mì cũng đã trở nên xa xỉ khi giá đã tăng thêm từ 5.000 đến 10.000 đồng/phần”, ông Khoa nói. Cầm 50.000 đồng đi buổi chợ chiều, chị Lê Thị Hòa (42 tuổi, ngụ phường Bình Thuận, Quận 7) đắn đo mãi vì không biết mua món gì cho cả nhà. “Nhiêu đây tiền vừa đủ để mình mua bó rau, vài quả trứng gà tẩm bổ cho con. Vật giá leo thang từng ngày, lương công nhân “3 cọc 3 đồng”, mỗi tối, tôi nhận dán bìa lịch, đóng sách thêm cho một cơ sở gần nhà. Làm thêm bốn giờ đồng hồ, được trả lương 60.000 đồng. Tôi để dành mua sách vở, đồng phục cho con chuẩn bị vào lớp 1. Chủ trọ vừa thông báo sắp tới cũng tăng giá khoảng 50.000 đồng/phòng/tháng”, chị Hòa lo lắng nói.

Mặc dù còn chờ Chính phủ đồng ý đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, nhưng nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tăng lương, thưởng cho công nhân sớm để giải quyết khó khăn trước mắt. Chủ tịch Công đoàn Công ty In số 7 (quận Bình Tân), ông Trương Hoàng Tâm cho biết: Công đoàn đã đề xuất lên Ban Giám đốc công ty và sẽ tăng lương cho 100% số công nhân trong tháng 5 này từ 3% đến 7%.

Theo đó, người lao động sẽ được tăng thêm thu nhập từ 200.000 đến 500.000 đồng/người. “Hằng năm, công ty đều điều chỉnh thu nhập theo hướng tăng thêm, bên cạnh đó còn có nhiều phúc lợi khác ngoài lương để người lao động yên tâm làm việc. Trong giai đoạn này, trước những khó khăn khi nhiều mặt hàng tăng giá, doanh nghiệp đã quyết định nâng lương cho tất cả cán bộ, người lao động. Công ty còn có thêm phần khen thưởng đặc biệt cho các công nhân và trao vào thời điểm cuối năm kèm phần lãi suất được “nuôi” trong năm nay.

Đây là cách doanh nghiệp giữ chân lao động ở lại làm việc dài lâu”, ông Tâm bày tỏ. Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) cũng quyết định nâng lương từ 5% đến 10% cho 1.200 lao động từ ngày 1/5. Theo đó, trung bình công nhân tăng thu nhập từ 500 nghìn đến một triệu đồng/tháng. Với mức tăng này, công nhân sẽ có mức lương cơ bản hơn 7 triệu đồng/tháng. Phó Tổng Giám đốc Công ty Đại Dũng Trịnh Minh Hùng cho rằng, việc giữ nguyên lương cũ sẽ khiến công nhân “không sống được” khi giá cả đồng loạt leo thang. Trải qua dịch bệnh, công ty cũng gặp không ít khó khăn, việc cân đối ngân sách để tăng lương cho công nhân đợt này cũng không phải dễ dàng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện tại mức lương bình quân của người lao động theo quy định thì không thể đủ để họ chi tiêu cho chính mình trong tháng, chứ đừng nói đến chuyện nuôi con hay tích lũy. Vì thế, người lao động phải làm thêm rất nhiều để tăng thu nhập. Đại diện Công ty TNHH Thiên Niên Kỷ (thành phố Thủ Đức) chuyên gia công quần áo trẻ em cho hay, đã quyết định nâng lương lên 20%, bình quân lên 10 triệu đồng/người/tháng.

“Để tăng lương, công ty buộc phải điều chỉnh giá hàng hóa trên thị trường. Thực tế, với mức lương chỉ hơn từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng thì khó bảo đảm được cuộc sống và thông thường các doanh nghiệp đều trả cao hơn gấp hai, gấp ba lần lương tối thiểu. Nhờ nâng lương nên chúng tôi đã tuyển đủ công nhân, đáp ứng tiến độ đơn hàng giao đối tác”, bà Trịnh Thị Thu Hằng, đại diện công ty nói.

Ở góc độ người lao động, Công đoàn các khu chế xuất-khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cùng người lao động nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến, giảm hư hao, tăng năng suất... Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất-khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thế Vân chia sẻ: “Chúng tôi tham gia trong việc ký kết thỏa ước lao động giữa tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động. Thỏa thuận hợp lý, hài hòa thì lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của người lao động”. Liên quan đến vấn đề tăng lương cho công nhân, người lao động, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thành Đô cho biết: Liên đoàn Lao động đã chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở chủ động, kiên trì thương lượng với các chủ doanh nghiệp tăng lương cho người lao động trong năm nay.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, để chăm lo cho công nhân trong “Tháng Công nhân”, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ không đưa ra số lượng chăm lo cụ thể, mà các cấp công đoàn cơ sở phải rà soát lại những trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ tổ chức chăm lo. Như vậy, công tác chăm lo đoàn viên, người lao động sẽ được đầy đủ, phân kỳ, bảo đảm không trùng và có nhiều người được quan tâm nhất. Trong Tháng Công nhân năm nay, Liên đoàn Lao động sẽ dành kinh phí 100 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn... ■