Chung tay bình ổn giá hàng hóa

Khi giá xăng tăng gần mức 30.000 đồng/lít đã ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống. Tăng giá là điều khó tránh khỏi nhưng từng cá nhân, doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tìm cách kiềm giữ, hoặc tăng khuyến mãi để hỗ trợ người tiêu dùng.

Khách hàng mua sắm hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart.
Khách hàng mua sắm hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart.

Tại chợ Bà Chiểu, dù trong giờ cao điểm nhưng khách đến mua sắm khá thưa thớt. Chủ sạp 635 Mười Hoa nhiệt tình chào mời khách nhưng do nhiều mặt hàng tăng giá cao, lượng khách vẫn thưa thớt. Trong đó, dầu ăn là mặt hàng nhảy giá nhiều nhất, đã lên mức 45.000 đồng/lít (tăng 5.000 đồng). Còn mặt hàng mì gói lên 220.000 đồng/thùng (tăng 20.000 đồng); các loại đường, bột ngọt… cũng tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg.

"Để giữ chân khách hàng, tôi chấp nhận lời ít hơn hoặc bán huề vốn. Chẳng hạn, trước đây, một chai dầu ăn lời 2.000 đồng thì nay chỉ còn lời khoảng 1.000 đồng. Đời sống khó khăn nên mỗi người hỗ trợ nhau một chút để cùng vượt "bão giá", người tiểu thương hơn 70 tuổi này bộc bạch.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định (quận 1), Phú Lâm (quận 6)… thấy cũng chung hoàn cảnh, nhiều tiểu thương không dám trữ hàng do sợ lỗ. Trưởng Ban quản lý chợ Thái Bình (quận 1) Nguyễn Thành Châu cho biết, lượng khách vào chợ hiện giảm khoảng 30% so với thời điểm chưa xảy ra dịch. Giá cả hàng hóa tăng nhưng tiểu thương chỉ tăng giá nhẹ do sức mua ở chợ yếu.

Chia sẻ về cách để chợ truyền thống vượt khó, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu Đỗ Thúy Hòa tâm sự, tiểu thương đã cố gắng làm nhiều cách để giữ khách như giảm lời, bán huề vốn, tặng thêm trái ớt, cọng hành... để tạo niềm vui cho khách đến chợ. Ban quản lý chợ cũng thường xuyên vận động tiểu thương niêm yết đúng giá để hỗ trợ khách hàng; đồng thời tìm kiếm và giới thiệu những nhà cung cấp hàng hóa giá cả phải chăng, hỗ trợ tiểu thương vay vốn ưu đãi để có thể nhập thêm hàng buôn bán...

Tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, lượng hàng nhập chợ hằng đêm vẫn ổn định. Lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn hơn 4.300 con, tương đương khoảng 326 tấn/ngày. Giá heo hơi tại các trại chăn nuôi, hộ dân từ 57.000-60.000 đồng/kg; giá heo mảnh loại 1 khoảng 76.000 đồng/kg, loại 2 có giá 68.000 đồng/kg; sườn non 130.000 đồng/kg, ba rọi 105.000 đồng/kg… Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức thông tin, lượng hàng về chợ dồi dào, mặt hàng rau củ quả, trái cây hơn 1.900 tấn/ngày, nên hoàn toàn không có chuyện tăng giá đột biến.

Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị lớn ở thành phố, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (gạo, dầu ăn, trứng…) vẫn đang được giữ ổn định, ngoài ra còn tăng thêm các chương trình giảm giá, khuyến mại để hỗ trợ người mua. Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam thông tin vẫn triển khai hàng loạt chương trình bình ổn giá như cam kết. Còn hệ thống siêu thị Co.opmart triển khai giảm giá mạnh, giảm tới 50% đối với thực phẩm, quần áo, hóa mỹ phẩm các loại...

Khi xăng, dầu tăng giá, doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do nhà cung cấp đều tăng giá nguyên, vật liệu do chi phí vận chuyển tăng cao. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp khẳng định sẽ cố gắng giữ giá trong thời gian lâu nhất có thể.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt Trương Chí Thiện khẳng định, công ty vẫn giữ ổn định giá bán trứng tại các siêu thị, cửa hàng từ đầu tháng 4 đến nay, như giá bán khoảng 29.500 đồng/chục trứng loại 60g/trứng, thấp hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/chục. "Giá trên chỉ áp dụng với các điểm bán hàng bình ổn được đăng ký, còn các điểm bán khác tự quyết định giá bán theo thị trường. Giá chênh lệch nhiều, khách hàng dịch chuyển vào các điểm bán hàng bình ổn giá khiến doanh nghiệp tham gia chương trình phải bù lỗ phần sản lượng tăng thêm so với kế hoạch nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng. Hiện, các điểm bán trứng trong diện bình ổn giá vẫn chưa giới hạn số lượng mua", ông Trương Chí Thiện nói.

Đại diện Công ty Thương mại dịch vụ An Phúc chuyên về nông sản (thành phố Thủ Đức) Nguyễn Hữu Tuệ thông tin, từ đầu tháng 5 đã nhận được thông báo tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nhà cung ứng với mức đề xuất tăng trong thời gian tới là 5-10%. "Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng thương thảo và giữ giá đến nay. Trước tình hình giá xăng tiếp tục lên cao đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó do những đơn hàng cung ứng thị trường nội địa đã được chốt giá từ trước Tết. Hiện, doanh nghiệp chủ động cắt giảm nhiều chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân người tiêu dùng; mặt khác, tiếp tục đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt, biên độ tăng không quá lớn", ông Tuệ nhấn mạnh. Ông Tuệ cũng đề xuất ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ, vì hiện nay gần như rất ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng đủ điều kiện để có thể tiếp cận được các khoản vay ưu đãi.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực-Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (FFA) Trương Tiến Dũng cho rằng, việc doanh nghiệp tăng giá hàng thực phẩm thời gian qua là bắt buộc khi mặt bằng giá thành đã tăng từ lâu. Trường hợp nếu phải điều chỉnh giá, doanh nghiệp cũng cân nhắc rất kỹ mức độ tăng giá để bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp hội viên cần cung cấp hàng đầy đủ cho các kênh phân phối, tránh tình trạng để trống kệ hàng trong thời gian đàm phán giá mới ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhìn nhận, giá xăng tăng tác động rất mạnh đến người lao động, Nhà nước có chính sách bình ổn xăng dầu, nhưng chính sách đó đến nay vẫn chưa đủ mạnh và chưa kịp thời. "Tôi cho rằng, trong lúc này, Nhà nước cần hỗ trợ người lao động bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có thu nhập từ 20 triệu đồng mỗi tháng trở xuống. Ngoài ra, có thể tăng thêm thuế thuốc lá, thuế rượu bia... Đây là những giải pháp để Nhà nước có thể giảm giá xăng dầu nhưng cũng không làm giảm nguồn thu ngân sách", ông Hiển nhấn mạnh…