Ðẩy nhanh tiến độ hai dự án metro

Ðoàn tàu của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được kiểm tra kỹ thuật lần cuối tại Nhật Bản, kế hoạch nhập về Việt Nam trong quý II năm nay. (Ảnh do Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cung cấp).
Ðoàn tàu của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được kiểm tra kỹ thuật lần cuối tại Nhật Bản, kế hoạch nhập về Việt Nam trong quý II năm nay. (Ảnh do Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cung cấp).

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các hạng mục thi công của dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Ban quản lý Ðường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đã thực hiện xong các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối tại Nhật Bản trước khi vận chuyển đoàn tàu về Việt Nam chạy thử trong quý II. Cùng với đó, tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng của tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang gấp rút thực hiện để kịp hoàn tất trong tháng 6 này.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý Ðường sắt đô thị thành phố cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và theo quy định của Chính phủ Nhật Bản (nơi sản xuất đoàn tàu) cũng như quy định của Chính phủ Việt Nam nên đoàn tàu của tuyến Metro số 1 chưa thể vận chuyển về Việt Nam trong thời điểm này. Tuy nhiên, để sớm đưa vào chạy thử, nhà thầu Hitachi cùng phía Việt Nam đang nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ sớm đưa đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam trong quý II năm nay. Trong tháng 4, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của nhà thầu Hitachi đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối tại Nhật Bản trước khi vận chuyển đoàn tàu về Việt Nam.

Theo thiết kế, đoàn tàu gồm ba toa với tổng chiều dài 61,5 m, tốc độ tối đa thiết kế 110 km/giờ (đoạn trên cao), 80 km/giờ (đoạn ngầm). Ðoàn tàu có thể chở tổng cộng 930 khách (trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng). Trong tương lai, khi số hành khách tăng lên tàu sẽ nối thành sáu toa. Báo cáo mới nhất gửi UBND thành phố, Ban quản lý Ðường sắt đô thị cho biết: Ban quản lý cùng nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cần thiết cho công tác đón đoàn tàu về depot Long Bình (quận 9) như lắp dựng tôn vách, lắp mái, lắp đặt các tòa nhà xưởng chính, nhà tiện bánh xe. Ngoài ra, tiến độ thi công đoạn trên cao và depot thuộc gói thầu CP2 của tuyến Metro số 1 do Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 thực hiện cũng đang trong giai đoạn gấp rút. Theo đó, gói thầu CP2 đã đạt 82,22% khối lượng và cam kết đạt 90% trong năm nay. Dự kiến cuối năm nay cả tuyến Metro số 1 sẽ đạt 85% khối lượng các hạng mục, kế hoạch cuối năm 2021 đưa vào vận hành chính thức.

Tuyến Metro số 1 dài gần 19,7 km, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng từ 17.400 tỷ đồng lên 46.300 tỷ đồng. Tuyến Metro số 1 có 14 nhà ga (11 ga trên cao, ba ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình (quận 9) và kết thúc ở Bến Thành (quận 1).

Cùng với tuyến Metro số 1 đang dần hình thành, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được thành phố thực hiện nước rút, hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng dự kiến trong tháng 6 năm nay. Dự án tuyến Metro số 2 đi qua địa bàn của sáu quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích hơn 251 nghìn m2. Dự án tuyến Metro số 2 gồm 10 nhà ga, có tổng chiều dài 11,042 km (9,1 km ngầm; 1,942 km trên cao và chuyển tiếp). Dự án cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư thành gần 47.891 tỷ đồng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 602 hộ, trong đó 121 hộ bị ảnh hưởng toàn phần, 481 hộ bị ảnh hưởng một phần. Theo Ban quản lý Ðường sắt đô thị, tại dự án tuyến Metro số 2, Tân Bình là địa phương có số hộ dân phải giải tỏa lớn nhất với 49 hộ giải tỏa toàn phần và 305 hộ một phần. Kế đến là quận 3, gồm 113 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Ban quản lý Ðường sắt đô thị thông tin: đến giữa tháng 4 đã có 108 hộ nhận tiền đền bù và 53 hộ bàn giao mặt bằng. Trong đó, riêng khu vực depot rộng 26 ha đã hoàn tất 99% công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ðồng thời, đã triển khai thi công và hoàn thành gói thầu xây lắp đầu tiên - gói CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương).

Ngày 27-3-2020, UBND thành phố ban hành các quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ của dự án tuyến Metro số 2, trên địa bàn các quận: 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Ðối với quận 3, UBND thành phố đang xem xét cập nhật. Theo bộ phận phụ trách đền bù giải tỏa của dự án: Chậm nhất đến ngày 18-4, các Quận: 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú sẽ phát hành trực tiếp phương án bồi thường chi tiết đến từng hộ dân lấy ý kiến (do dịch Covid-19 nên không tổ chức họp niêm yết), sau 20 ngày, nếu hộ dân có ý kiến sẽ tổ chức họp. "Nếu công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự kiến trong tháng 6-2020, UBND các quận sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý Ðường sắt đô thị", ông Bùi Xuân Cường nhận định.

Để chuẩn bị cho việc vận hành tuyến Metro số 1, đầu tháng 4, Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh đã thông báo tuyển dụng đào tạo đội ngũ lái tàu cho tuyến metro này. Số lượng lái tàu mà đơn vị tuyển dụng đào tạo là 58 người với tiêu chí tuyển dụng người từ 21 đến 35 tuổi, có sức khỏe tốt, thị lực 10/10 không bị mù mầu, rối loạn sắc giác…Về trình độ chuyên môn phải tốt nghiệp THPT trở lên, đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng, năng lực của công việc. Sau khi kết thúc thời gian đào tạo khoảng 19 tháng, học viên sẽ tham gia sát hạch và được cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Thành phố cần rút kinh nghiệm bài toán quy hoạch không gian đô thị từ tuyến Metro số 1 để ngay từ bây giờ lên kế hoạch triển khai thực hiện nhằm có "đầu bài" cho tuyến Metro số 2. Trong đó, các sở, ngành chức năng cần tính toán ranh đất, thu hồi luôn quỹ đất lân cận công trình metro để đầu tư công trình hạ tầng, bến bãi, các trạm đỗ xe buýt… tạo sự thống nhất, đồng bộ.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, thành phố cần quy hoạch quỹ đất từ nhà ga metro đến các trạm trung chuyển với bán kính 800 m và phạm vi từ metro ra khu vực hai bên là 200 m vừa tạo bộ mặt đô thị, bảo đảm công tác vận hành cũng như tạo cơ chế rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư khai thác quỹ đất chung quanh.