Ðẩy mạnh phân cấp, phân quyền

UBND thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở để chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng thêm sự hài lòng cho người dân...

Một góc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hôm nay.
Một góc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Chủ động phân cấp

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ giữa tháng 5 năm nay, 22 chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai (ÐKÐÐ) tại thành phố đã được ủy quyền thực hiện 11 thủ tục đăng ký, cấp lại, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân… Việc ủy quyền này rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận chủ quyền đất, tài sản trên đất cho người dân.

Theo tính toán, trước đây, chi phí vận chuyển hồ sơ từ trụ sở các chi nhánh về Văn phòng ÐKÐÐ thành phố tốn khoảng ba tỷ đồng/năm, tương đương 80 đến 100 nghìn đồng mỗi hồ sơ. Trong khi đó, thời gian trung bình cho mỗi hồ sơ di chuyển từ chi nhánh đến Văn phòng ÐKÐÐ thành phố và trở về chi nhánh hết 10 ngày. Ðiều này khiến 23 nghìn hồ sơ tại Văn phòng ÐKÐÐ thành phố bị trễ hẹn, chiếm 5% tổng số hồ sơ mà đơn vị này giải quyết.

Cũng theo Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, việc ủy quyền cho các chi nhánh Văn phòng ÐKÐÐ thành phố Thủ Ðức và 21 quận, huyện ký các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai là một bước đột phá, cho thấy sự quyết liệt, mạnh dạn của thành phố. Việc này thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Ðây cũng là đợt cải cách lần thứ hai trong việc phân cấp, ủy quyền của thành phố. Từ việc Giám đốc Sở TN-MT ký giấy chứng nhận, thành phố đồng ý ủy quyền một bước cho Văn phòng ÐKÐÐ của thành phố ký, giờ mạnh dạn một bước nữa là đưa xuống các chi nhánh Văn phòng ÐKÐÐ ký.

Không chỉ trong lĩnh vực đất đai, từ năm 2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành; UBND các quận, huyện, chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện 85 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trên bốn lĩnh vực: Ðô thị - môi trường; kinh tế - ngân sách - dự án; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội vụ. Theo đánh giá của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, sau hơn hai năm thực hiện, việc ủy quyền này đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc vì giảm được khâu trung gian khi hồ sơ không phải qua sở/ngành thẩm định hoặc phải trình UBND thành phố xem xét, quyết định, mà các sở/ngành, UBND các quận, huyện đã chủ động giải quyết theo thẩm quyền đã được ủy quyền. Ðơn cử, việc ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao đã rút ngắn thời gian tám ngày, từ 50 xuống còn 42 ngày so với quy định.

Theo UBND quận Bình Thạnh, ngay khi có quyết định được phân cấp, ủy quyền, quận đã chủ động xử lý nhiều nội dung quan trọng, như: Hoàn tất việc đấu thầu liên quan đến vận chuyển thu gom chất thải rắn; ban hành quyết định thu hồi đất để mở rộng một đoạn đường Chu Văn An; thành lập đoàn thanh tra 13 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn… Việc ủy quyền đã giúp quận Bình Thạnh mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, giải quyết công việc cho dân nhanh hơn.

Còn quận Bình Tân được thành phố ủy quyền 20 đầu việc. Quận này đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho chủ tịch, các phó chủ tịch UBND quận và các đơn vị liên quan, đồng thời thông tin cho người dân biết. Từ ngày được ủy quyền đã giúp quận Bình Tân chủ động rút ngắn thời gian thực hiện một khối công việc khá lớn...

Cần sự phân cấp mạnh mẽ từ Trung ương

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Nhân, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã phân cấp, ủy quyền tối đa cho các địa phương theo thẩm quyền của UBND thành phố. Việc này đã tạo sự chủ động, rõ ràng hơn cho cấp dưới trong phạm vi quy định, theo hướng phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Từng cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch đối với những vấn đề lớn, quan trọng mà UBND thành phố chỉ đạo, nhất là công việc có thời hạn, thời hiệu liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, để TP Hồ Chí Minh chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn; chủ động, sáng tạo hơn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thành phố rất cần sự phân cấp mạnh mẽ hơn nữa từ Trung ương. Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, những việc chính quyền thành phố có thể làm tốt thì Trung ương nên phân cấp, phân quyền cho thành phố làm; các bộ, ngành chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay. Qua đó, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ hơn cho thành phố thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý của thành phố mà pháp luật chưa quy định. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp thành phố và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng đề án ban hành nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NÐ-CP ngày 12-12-2001 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh trong quý II-2021 bởi một số nội dung trong nghị định này không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố.

Ðại diện Bộ Xây dựng ủng hộ phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho TP Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó có thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, chỉnh trang đô thị, cải tạo các chung cư cũ… Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương rà soát, đề xuất bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2019, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định theo hướng này...