Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Để thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô sửa đổi, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành thành phố thực hiện việc rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trên cơ sở các ý kiến thẩm tra của Ủy ban pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Từ ngày 18/12/2023 đến nay, thành phố đã tổ chức 20 cuộc hội thảo, cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành thành phố.
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân đã báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến đối với nội dung Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các hồ sơ kèm theo. Thường trực Thành ủy cơ bản thống nhất với những nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý tại Báo cáo và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Luật.
Để tiếp tục phối hợp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới, Hà Nội có một số đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo định hướng việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo hướng phân quyền mạnh mẽ cho thành phố và bổ sung những quy định đặc thù để giải phóng, phát huy mọi nguồn lực, tạo thể chế thuận lợi cho xây dựng và phát triển Thủ đô.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là Luật đặc thù, riêng biệt, cần rút kinh nghiệm từ Luật Thủ đô trước đây để hoàn thiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất rất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao và thành phố Hà Nội cũng thống nhất cao đây là Luật phân quyền, phân cấp, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, quy định những cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để giải phóng nguồn lực, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực cho phát triển Thủ đô. Đây là việc vừa tạo thuận lợi cho Hà Nội, vừa giao việc “nặng” hơn cho Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao để tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp, của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là Luật khó, va chạm nhiều Luật khác, nhiều vấn đề mới được đưa ra và cần rút kinh nghiệm của Luật Thủ đô năm 2012. Vì vậy, đồng chí đề nghị ba cơ quan: Hà Nội, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).