Tiếp nối nghề may gối cung đình Huế

Những chiếc gối trái dựa cung đình mang trong mình một nét đẹp nhẹ nhàng, đồng thời vẫn chứa đựng vẻ uy quyền, cao sang. Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (mệ Trí Huệ) - người cuối cùng giữ nghề may gối đã qua đời; tuy nhiên, từ tấm lòng trân trọng nét văn hóa lịch sử xưa, các con của mệ Trí Huệ đang viết tiếp câu chuyện lưu truyền gối trái dựa cung đình cho thế hệ mai sau.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình bà Lê Thị Liền vẫn giữ nghề làm gối truyền thống.
Gia đình bà Lê Thị Liền vẫn giữ nghề làm gối truyền thống.

Lưu giữ từng đường kim mũi chỉ

Tìm đến thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) để hỏi về chiếc gối trái dựa thì ai cũng biết. Ngôi nhà của mệ Trí Huệ là nơi lưu giữ từng câu chuyện, quá trình may nên những chiếc gối cung đình xưa.

Ngày trước, gối trái dựa được tạo thành từ bốn hoặc năm tấm đệm hình chữ nhật xếp chồng lên nhau thể hiện sự uy nghiêm, quyền quý chốn cung đình. Gối dùng cho nhà vua có năm lá sẽ mang mầu sắc vàng có thêu hình rồng năm ngón, còn gối dành cho Hoàng Thái Hậu sẽ có bốn lá thêu hình chim phượng hoàng. Thời gian để làm ra một chiếc gối thành phẩm kéo dài từ một tuần đến nửa tháng, trải qua nhiều công đoạn như may khung gối, nhét bông, may lớp bọc… đòi hỏi sự khéo tay của người thợ may.

Những sản phẩm gối trái dựa do mệ Trí Huệ may thuở trước được nhà vua rất ưa dùng hằng ngày. Với kích thước năm lá dày khoảng 30cm, gối được dùng làm vật dựa tay khi nhà vua đọc sách, ngâm thơ hằng ngày hoặc trải ra để gối đầu. Với tiêu chí khắt khe về chất lượng, mỗi chiếc gối may ra cần độ phẳng trên bề mặt từng lá gối và vuông góc tất cả các cạnh.

Đồng thời, các mũi chỉ phải đều đặn, chắc chắn nhằm tăng tính thẩm mỹ, sang trọng cho gối. Ngoài mầu vàng của gối nhà vua, các quan và phi tần lúc đó sẽ được dùng gối với nhiều mầu khác như xanh đậm, xanh lục… Tất cả đều được phân chia, quy định cụ thể.

Xuất phát từ tình cảm trân trọng với sự tận tâm, yêu nghề của mệ Trí Huệ mà hiện tại có bốn thành viên trong gia đình cùng tiếp nối nghề làm gối. Bà Lê Thị Liền (SN 1954) là người con dâu đang duy trì nghề may gối trái dựa cung đình cho biết, mỗi tháng gia đình may được khoảng 20 chiếc gối theo từng nhu cầu của khách hàng. Gần đây, để rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm, công đoạn thêu hình rồng, chim phượng lên lớp vải bọc gối được các thợ thêu gần khu vực kinh thành Huế nhận gia công.

“Hồi mới về làm dâu tôi thấy mệ ngồi may tỉ mỉ từng chiếc gối nên chỉ nghĩ là cùng làm phụ mệ trong vài công đoạn. Lâu dần, cảm xúc yêu quý chiếc gối có khi nào không hay, rồi tôi cứ bắt nhịp học nghề may sản phẩm của mệ. Chừ hai đứa con tôi cũng tiếp nối, tôi biết công đoạn nào thì truyền lại cho chúng nó. Cả nhà rất háo hức mỗi khi có ai đó tìm đến đặt mua gối trái dựa”, bà Liền cho hay.

Nhớ mãi lời khen của mệ

Với kinh nghiệm 15 năm học nghề và thực hành làm gối, bà Liền thường đảm nhận công đoạn cho bông vào ruột năm tấm gối. Lượng bông được nhét vừa phải, đều từng ô nhỏ bên trong. Đây là bước đóng vai trò quyết định chất lượng cho cả sản phẩm được bền bỉ trong nhiều năm sử dụng. Nhớ lại những năm tháng mới học nghề, khi đó bà Liền luôn được mệ Trí Huệ kèm sát, hướng dẫn cụ thể từng bước; nhờ đó mà tay nghề làm gối của bà Liền trở nên thuần thục, những đường chỉ thẳng tắp, đẹp mắt.

“Con làm được đó, đường may giống mệ rồi đó…”, đó là lời động viên của mệ Trí Huệ dành cho con gái của mình là bà Bùi Thị Ngọc Điểm (SN 1952) gần 50 năm về trước.

Từ những ký ức tươi đẹp cùng tính cách cẩn thận của mệ Trí Huệ trong giai đoạn bà phụng trực trong cung đã ảnh hưởng vào tâm trí, đôi tay của bà Điểm hiện tại. Mỗi chiếc gối được hoàn thiện với năm lớp bông đại diện cho 5 phẩm chất cao quý của con người là “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, đó là lời dạy của mệ Trí Huệ. Bây giờ, các con cháu trong gia đình mệ luôn noi theo, gìn giữ những giá trị đó.

“Trong tương lai, đối với việc lưu giữ cho nghề làm gối cung đình, tôi dự tính mở rộng thêm không gian trưng bày và sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn là cả gia đình, các thế hệ sau cùng tham gia làm gối. Giả sử nhu cầu của khách hàng cần nhiều gối trong một thời gian ngắn, tôi vẫn hướng đến chất lượng từng sản phẩm bởi vì uy tín gối cung đình cả đời của mệ phải được gìn giữ”, bà Điểm khẳng định.

Hơn hai năm qua, quá trình tiếp nối và lan tỏa câu chuyện gối trái dựa cung đình Huế đến những người yêu văn hóa được nhanh hơn là nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của nhóm các bạn trẻ Journeys in Hue chuyên làm về du lịch.

Đặc biệt, mỗi chiếc gối trái dựa khi đến tay người mua đều chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử vùng đất Huế. Từng mảnh ghép nhỏ về chiếc gối xưa như hình ảnh cả gia đình mệ Trí Huệ cùng quây quần may gối, lời kể về chuyện xưa khi mệ Trí Huệ còn ở trong cung… được nhóm Journeys in Hue lưu lại qua từng bộ ảnh, tập phim. Từ đó, chiếc gối trái dựa cung đình được du khách gần xa biết đến đặt mua, mở ra cơ hội lưu giữ, duy trì nghề làm gối.