Sau khi chia tay Liên minh châu Âu (EU), việc thúc đẩy đàm phán FTA nhằm mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác ngoài Liên minh Cờ xanh là một trong những mục tiêu trọng tâm của Anh. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm kể từ ngày chính thức rời EU, tiến trình đàm phán nhiều thỏa thuận thương mại vẫn chưa thể cán đích.
Trong nỗ lực khắc phục tình trạng này, Chính phủ Anh vừa tuyên bố sẽ tái khởi động đàm phán các FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng một loạt nước. Vòng đàm phán đầu tiên dự kiến diễn ra ngay trong tháng 8 này.
Giới phân tích nhận định, tái khởi động đàm phán các FTA là bước đi cần thiết, phù hợp ưu tiên của Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer. Ông Keir Starmer từng nhiều lần nhấn mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ mới.
Theo số liệu thống kê chính thức, Anh là nước xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới. Vì vậy, mở rộng cánh cửa hợp tác kinh tế thông qua FTA sẽ mang đến những “cơ hội vàng” cho giới doanh nghiệp của Xứ sở Sương mù.
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds khẳng định, các thỏa thuận thương mại chất lượng cao không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, tạo thêm nhiều việc làm mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, London coi ký kết FTA với GCC, gồm các nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), là ưu tiên hàng đầu.
Giới chức Anh kỳ vọng, được khởi động từ năm 2022, đàm phán sẽ cán đích vào cuối năm nay, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho hợp tác thương mại giữa hai bên.
FTA không phải con đường duy nhất để Anh tăng cường mở rộng thương mại với các nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giới chức Anh khẳng định, cơ hội mà những FTA mang lại sẽ giúp London rút ngắn chặng đường tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo ước tính của London, FTA giữa Anh với GCC sẽ giúp tăng GDP của Anh thêm từ 1,6 đến 3,1 tỷ bảng Anh vào năm 2035. Các ngành được hưởng lợi nhiều nhất gồm sản xuất, nông nghiệp, hóa chất, dệt may và dịch vụ.
Sớm tháo gỡ những nút thắt cuối cùng trong đàm phán FTA với Ấn Độ cũng là ưu tiên của Chính phủ Anh. Hai nước chính thức khởi động đàm phán đầu năm 2022, với kỳ vọng tăng giá trị thương mại song phương lên khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, mục tiêu đạt thỏa thuận vào cuối năm 2022 đã bị lỡ, một phần do những bất đồng chưa thể giải quyết liên quan vấn đề thuế quan và tiếp cận thị trường. Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh khẳng định, các cuộc đàm phán sẽ được khởi động lại sớm nhất.
FTA với Ấn Độ không chỉ giúp doanh nghiệp Anh tiếp cận nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới với thị trường hơn 1,4 tỷ dân, mà còn giúp London tiến một bước lớn trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cùng với GCC và Ấn Độ, Anh cũng có kế hoạch nối lại đàm phán thương mại với Israel, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới phân tích nhận định, ký kết các FTA là bước đi cần thiết để London đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế. Xuất khẩu được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế Anh, nhưng nhu cầu toàn cầu yếu đã khiến Anh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Năm 2023, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Mặc dù ghi nhận những tín hiệu khởi sắc hơn vào năm 2024, song đà phục hồi còn chậm. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo, tăng trưởng kinh tế nước này năm 2024 đạt 1,25% và chỉ đạt lần lượt 1% và 1,25% vào hai năm tiếp theo.
FTA không phải con đường duy nhất để Anh tăng cường mở rộng thương mại với các nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giới chức Anh khẳng định, cơ hội mà những FTA mang lại sẽ giúp London rút ngắn chặng đường tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế.