Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững

NDO - Chiều 10/5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh David Cameron.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh David Cameron.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh David Cameron.

Tại cuộc điện đàm, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển ngày càng hiệu quả và sâu rộng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh thời gian qua; nhất trí hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có như Đối thoại chiến lược, Đối thoại chính sách quốc phòng, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại (JETCO)…; xây dựng và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động Việt Nam-Anh giai đoạn 2024-2026; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và đa phương.

Về hợp tác kinh tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam ủng hộ Vương quốc Anh trong tiến trình gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tin rằng đây là động lực mới để hai nước đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, thúc đẩy liên kết kinh tế ở tầm khu vực. Hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) để đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế của mỗi nước.

Đánh giá cao những kết quả hợp tác trong thời gian qua, Bộ trưởng David Cameron khẳng định, Vương quốc Anh coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; nhấn mạnh, Anh sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững; đề nghị hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về vấn đề di cư, quản lý xuất nhập cảnh, phòng, chống di cư bất hợp pháp.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác thực chất giữa ASEAN và Anh trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Anh giai đoạn 2024-2027.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do an ninh hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.