Sau khi người dân phản ánh gay gắt, chính quyền xã, huyện đã cho tạm ngừng thi công để tiếp tục vận động người dân chấp thuận chủ trương và đánh giá lại toàn bộ giải pháp để đưa ra phương án khả thi nhất.
Cầu kênh tuyến 2, thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, có chiều dài 24,9m, chiều ngang 5,5m, cao độ dạ cầu 2,7m, tải trọng 3,5 tấn. Tổng vốn đầu tư trên 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Cầu được khởi công vào tháng 8/2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước làm chủ đầu tư. Đây là cầu bắc qua trụ sở đang xây dựng của Ủy ban nhân dân xã Phước Lập.
Đến nay, cầu đã xây dựng xong phần móng và đang chuẩn bị gác dầm cầu. Tuy nhiên, đến công đoạn gác dầm thì bị người dân phản ứng vì cho rằng, cầu xây dựng như vậy là quá thấp, phương tiện thủy không thể vận chuyển máy móc hoặc trực tiếp vào thu mua lúa… của bà con được.
Bức xúc trước vấn đề này, ông Tô Văn Út, sinh năm 1963 đại diện cho người dân trong khu vực ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập nói: “Chúng tôi là những hộ dân có đất sản xuất lúa nằm trong khu vực cầu kênh tuyến 2. Khu vực này có khoảng 100ha đất sản xuất lúa, trong đó có nhiều diện tích xen canh cây ăn quả.
Ngoài ra, phía trong cầu còn có 5 máy gặt đập liên hợp chuyên thu hoạch lúa và 2 máy cuộn rơm lưu thông qua lại thường xuyên trên tuyến kênh này. Sau khi người dân thu hoạch lúa, thương lái sử dụng phương tiện thủy để vào khu vực này thu mua”.
Nếu cầu này hoàn thành thì phương tiện thủy chở máy móc và thu mua nông sản sẽ không thể đi vào khu vực bên trong. Lúc này, lúa, quả và vật tư nông nghiệp phải trung chuyển bằng đường bộ, qua nhiều công đoạn sẽ rất tốn kém, chi phí tăng lên rất cao, lợi nhuận của nông dân sẽ không còn.
Ông Nguyễn Văn Liên, ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập phản ứng vì cây cầu xây dựng quá thấp. |
Tại buổi trao đổi, người dân yêu cầu đơn vị thi công phải nâng chiều cao lưu thông thêm 1,5m nữa để phương tiện đường thủy qua lại được khu vực này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Lập Nguyễn Hải Đăng cho biết, trong quá trình xây dựng cầu, người dân đã phản ứng nhiều lần và gửi đơn kiến nghị nhiều nơi.
Địa phương cũng đã cố gắng giải thích cho bà con hiểu về chủ trương xây dựng cầu và lý do không thể nâng độ cao của cầu. Tuy vậy, những người dân đã không đồng ý. Trước bức xúc của người dân, công trình phải tạm ngừng thi công để chờ xin ý kiến từ cấp trên.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư huyện Tân Phước Đoàn Văn Tuấn cho rằng, sau khi triển khai xây dựng cầu, 12 hộ ở phía bên trong bị ảnh hưởng, trong đó có hộ có máy gặt đập liên hợp và thường xuyên lưu thông qua lại tuyến kênh này để thu hoạch lúa cho nông dân. Họ yêu cầu phải nâng thêm độ cao cầu, phương tiện thủy mới lưu thông được.
Về mặt kỹ thuật, huyện cũng đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn khảo sát lại. Nếu nâng cao, độ dốc sẽ thẳng đứng và gây nguy hiểm cho bà con đi đường. Lãnh đạo huyện Tân Phước đã giải thích, nhưng bà con chưa đồng thuận.
Trước mắt, lãnh đạo huyện Tân Phước yêu cầu đơn vị khảo sát thiết kế, về mặt kỹ thuật, nếu nâng độ cao của cầu thì nâng được bao nhiêu, có nâng được độ cao như kiến nghị của người dân không. Nâng thêm độ cao có bảo đảm an toàn giao thông của người dân khi lưu thông không. Còn nếu không thi công cầu này thì xem xét có con đường nào đi vào Ủy ban nhân dân xã Phước Lập đang xây dựng không?
“Tất cả các phương án đều được huyện Tân Phước tính đến. Sau khi xem xét kỹ, chúng tôi sẽ tiến hành họp dân và đi đến quyết định phương án như thế nào là tốt nhất”, đồng chí Đoàn Văn Tuấn cho biết.
Nói về việc có đánh giá được những vấn đề phát sinh trong và sau khi xây dựng cây cầu này, đồng chí Đoàn Văn Tuấn cho rằng, hiện vẫn chưa đánh giá được toàn diện vấn đề.