Nhiều hạn chế, bất cập trong sử dụng nguồn lực đất đai

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi thảo luận về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định: Đoàn giám sát về nội dung này của Quốc hội đã công phu, khách quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Trong đó, đã chỉ rõ nhiều vấn đề, bất cập, hạn chế cần tập trung tháo gỡ; nhìn nhận rõ những nguồn lực còn sử dụng chưa hiệu quả, trong đó có việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thực trạng tại nhiều địa phương được các đại biểu Quốc hội đề cập là nhiều dự án, khu đất bị bỏ hoang, chậm tiến độ trên phạm vi toàn quốc. Công tác thực thi pháp luật đất đai còn rất nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, trong đó có những bất cập, lãng phí trong lĩnh vực đất đai đã được nêu rõ từ nhiều năm qua và đến nay tiếp tục được Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ với những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo đó, vi phạm pháp luật đất đai còn diễn biến phức tạp, xảy ra phổ biến trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Tại rất nhiều địa phương, còn không ít dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất “vàng” vẫn đang có những bất cập trong quản lý và sử dụng.

Một thực trạng khác được nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra nghị trường từ các kỳ họp trước, nay tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự, đó là: Trong khi việc quản lý sử dụng đất, nguồn gốc từ nông, lâm trường còn rất bất cập thì rất nhiều hộ gia đình, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất hoặc có đi chăng nữa còn đang ở vị trí khó khăn, đất dốc, đất bạc màu và thiếu nước sản xuất.

Đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn ở miền núi, vùng nông thôn sinh kế gắn liền với các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, việc sản xuất có vai trò đặc biệt rất quan trọng. Vì vậy, thiếu đất sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều hộ đồng bào rất khó khăn trong thời gian qua.

Về việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, có những công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương sau khi có sự sắp xếp và chuyển đổi, gây lãng phí rất lớn.

Câu hỏi được đặt ra là: Bên cạnh những nguyên nhân về sự bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan sử dụng, quản lý tài nguyên đất chưa được xử lý kịp thời thì có hay không thực trạng các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, chưa quyết liệt phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những bất cập, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất ?

Từ thực trạng nêu trên, Quốc hội, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000ha đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm.

Tăng cường hơn nữa tính răn đe trong việc thực thi pháp luật đất đai thông qua việc kiểm tra, thanh tra toàn diện, thường xuyên hơn. Đổi mới phương thức, phương tiện kỹ thuật thực thi pháp luật đất đai, như ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, hệ thống kiểm tra tài nguyên đất đai di động. Cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin về đất đai đến từng thửa đất, phục vụ thực hiện nghiệp vụ hành chính công, là công cụ kết nối liên thông giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chỉ đạo các bộ, ngành rà soát để thấy trách nhiệm, hạn chế trong từng ngành, lĩnh vực, trong đó có việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất, qua đó có phương hướng khắc phục kịp thời, nghiêm túc; đồng thời để những báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong những năm sau không còn nhắc lại những bất cập, hạn chế đã nhiều lần nhắc đến, góp phần thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm không chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương.