Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội), là địa bàn thuần nông, có truyền thống làm nghề sinh vật cảnh. Do địa hình đồng đất bậc thang, manh mún, mỗi hộ dân có gần chục thửa ruộng nằm rải rác khắp các xứ đồng, cho nên từ nhiều năm nay sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Vân bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn, tất yếu để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Hồng Vân đã chọn khâu DĐĐT, để thực hiện trước. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, từ năm 2013 đến nay, hơn 100ha đất canh tác đã được dồn đổi thành công. Xã đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết; tập trung quy hoạch điểm du lịch của xã trên cơ sở 2 làng nghề sinh vật cảnh và các vùng sản xuất nông nghiệp. Theo lãnh đạo xã Hồng Vân, DĐĐT không chỉ xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu, mà đã thay đổi nhận thức của người dân. Người dân đã liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh thành công và thuận lợi sau DĐĐT, vẫn còn nhiều nơi gặp khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương. Các hộ dân trú tại thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín cho biết, nhiều hộ đã bị thiếu diện tích đất sau DĐĐT. Mặt khác, từ khi xã DĐĐT, chính quyền cho múc đất tại ruộng của các hộ để đắp đường, nên ruộng trở thành ao thùng rãnh sâu, không thể cấy và sản xuất được. Sau DĐĐT, rất nhiều hộ bị thiếu diện tích đất so với sổ cấp năm 1992, trong đó nhiều hộ còn bị lấy đất làm đường, nhưng không được chia bù...
Liên quan những bất cập trong công tác DĐĐT, đơn của bà Nguyễn Thị Hòa, trú tại xóm 1, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) phản ánh: "Năm 2012, UBND xã Đông La triển khai công tác DĐĐT. Do nhận thức đúng đắn về chủ trương của Nhà nước và các cấp chính quyền, vào thời điểm đó, phần lớn các gia đình sống trên địa bàn xã đã nghiêm túc chấp hành phương án được phê duyệt.
Một số gia đình còn tự giác hiến đất để mở rộng đường và di chuyển cây cối, hoa màu vì sự phát triển chung của thôn, xã. Thế nhưng, ngược với kỳ vọng của người dân, việc thực hiện DĐĐT trên địa bàn xã Đông La đến nay vẫn chưa hoàn thành". Cũng theo bà Hòa, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ UBND xã và cán bộ các tiểu ban DĐĐT ở cơ sở đã làm sai lệch hồ sơ diện tích và chia thừa ruộng cho một số hộ dân.
Người dân đã có ý kiến nhưng chính quyền chưa giải quyết triệt để. Những khúc mắc của người dân là có cơ sở, vì rất nhiều diện tích đất nông nghiệp hiện vẫn để hoang hóa. Một vài địa điểm còn biến thành điểm tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng và bãi chứa rác thải... hoàn toàn không phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp.
Rõ ràng, những bất cập, sai lệch liên quan đến công tác DĐĐT của các trường hợp trên, diễn ra qua hàng chục năm, nhưng không được giải quyết dứt điểm đã làm ảnh hưởng lớn đời sống và hoạt động sản xuất, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ngoài những nguyên nhân do đặc thù đồng đất khó dồn đổi, một số địa phương DĐĐT chưa quyết liệt, chưa đúng quy trình theo hướng dẫn, chưa tích cực vận động nhân dân khiến người dân chưa đồng tình. Một số nơi tồn tại vướng mắc trong quản lý đất đai từ nhiều nhiệm kỳ trước, người dân gây sức ép, đòi hỏi phải giải quyết các vướng mắc mới nhận ruộng.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn hạn chế, người dân chưa thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của công tác DĐĐT... Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở một số nơi chưa khách quan, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Công tác triển khai chưa triệt để, còn lúng túng. Quá trình thực hiện, một số đơn vị chưa bám sát trình tự các bước trong việc xây dựng và thực hiện phương án DĐĐT, dẫn đến làm chậm tiến độ và phải làm đi, làm lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã có nơi còn lỏng lẻo, một số đơn vị cấp xã không nắm được cụ thể diện tích đất nông nghiệp thực tế tại địa phương sau DĐĐT... Đặc biệt, việc chỉnh lý biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không kịp thời, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện cũng như ảnh hưởng các quyền của người sử dụng đất.
Để khắc phục những bất cập, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT... góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội, các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó coi trọng đối thoại trực tiếp, cùng người dân bàn bạc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Việc DĐĐT phải trên tinh thần tự nguyện, luôn tôn trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Dồn đổi ruộng đất phải đạt được kết quả theo yêu cầu đặt ra, đó là tạo ra được những thửa đất có quy mô bảo đảm cho việc xây dựng những mô hình, những cánh đồng mẫu lớn để sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô tập trung và ứng dụng công nghệ cao; đồng thời tạo ra được quỹ đất cho nhu cầu quy hoạch các công trình công cộng, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người nông dân.