Quận Đống Đa có khoảng một nửa số tổ dân phố không có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Nhưng khi xây dựng lên, không phải nơi nào cũng được khai thác, sử dụng hiệu quả. Điển hình như nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 21, 22 phường Ô Chợ Dừa được xây dựng từ năm 2019, với quy mô hai tầng. Hiện nay, toàn bộ tầng một của tòa nhà được chuyển công năng thành cửa hàng kinh doanh thực phẩm.
Tương tự, rất nhiều trung tâm văn hóa-thể thao cấp quận, huyện bị sử dụng sai mục đích. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao huyện Hoài Đức xây khang trang to đẹp nằm ngay giữa thị trấn Trạm Trôi. Tuy nhiên, từ lâu, một phần diện tích nơi đây được biến thành một trong những... bãi giữ xe rất thuận tiện. Còn tại Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận Bắc Từ Liêm, ngay phía bên ngoài, giáp mặt đường, một khu vực được biến thành quán cà-phê…
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư khá toàn diện cho hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các cấp. Toàn thành phố hiện có 57 thiết chế văn hóa, thể thao ở 30 quận, huyện và 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%. Do số dân đông, cho nên số lượng này chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hơn nữa lại bố trí chưa đồng đều.
Ở khu vực nội đô, nhất là các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, còn hàng trăm tổ dân phố không có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Thậm chí, có địa bàn như phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), 7 Tổ dân phố phải chung nhau một nhà văn hóa và một nhà sinh hoạt cộng đồng. Công chức văn hóa phường Nguyễn Trung Trực Dương Thu Huyền cho biết, mỗi khi có công việc gì, nhân dân trên địa bàn thường phải mượn địa điểm của trạm y tế, tổ dân phòng... nên việc sinh hoạt văn hóa rất khó khăn.
Tiến độ xây dựng nhiều thiết chế văn hóa chậm trễ, gây lãng phí lớn trong khi nhu cầu của nhân dân ngày càng bức thiết. Năm 2001, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi gần 71 nghìn m2 đất tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (quận Ba Đình) giao cho Ban Quản lý dự án quận Đống Đa để xây dựng Công viên văn hóa-thể thao-vui chơi Đống Đa giai đoạn 1. Quận Đống Đa đã giải phóng mặt bằng gần 2 ha.
Sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn, đến nay dự án Công viên Văn hóa Đống Đa chưa được triển khai, hầu hết diện tích đất đã giải phóng mặt bằng bị tái lấn chiếm. Công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có diện tích gần 50 nghìn m2, nhưng vừa bị sử dụng sai mục đích, vừa bị xuống cấp... Cung Thanh niên Hà Nội gồm hai công trình ở số 1 phố Tăng Bạt Hổ và 37 phố Trần Bình Trọng xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm qua.
Dự án cải tạo nâng cấp và xây dựng cơ sở tại số 1 phố Tăng Bạt Hổ được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ năm 2007. Còn dự án cải tạo nâng cấp cơ sở tại 37 phố Trần Bình Trọng đã có chủ trương đầu tư từ năm 2015. Đến nay cả hai công trình vẫn chưa được cải tạo, sửa chữa. Một số công viên lớn như Hello Kitty (quận Tây Hồ), Kim Quy (huyện Đông Anh)... đều chưa khởi công, mặc dù theo kế hoạch, đã qua thời điểm khánh thành.
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống thiết chế văn hóa. Toàn thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, việc nhiều công trình sử dụng sai mục đích, chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân của thành phố.
Vấn đề gây bức xúc nhất trong dư luận hiện nay là một số dự án công viên chậm tiến độ, bị lấn chiếm, hoặc thiếu quản lý dẫn đến xuống cấp, nhếch nhác. Đối với dự án Công viên văn hóa-thể thao-vui chơi Đống Đa, một phần trong 19 nghìn m2 được giải phóng mặt bằng hiện đã xây trạm điện, sân bóng đá, làm trường học.
Hiện nay, việc triển khai dự án với diện tích 85 nghìn m2 như trước đây là không khả thi do hiện trạng sử dụng đất hết sức phức tạp. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu các sở liên quan và hai quận Đống Đa, Ba Đình rà soát lại tính pháp lý trong sử dụng đất của các tập thể, cá nhân trong khu vực, trên cơ sở đó, điều chỉnh quy hoạch ranh giới dự án. Trong lúc rà soát, cần chống lấn chiếm.
Đối với Công viên Bắc Linh Đàm, bất cập hiện nay là UBND quận Hoàng Mai mới nhận quản lý 18 nghìn m2 từ đầu năm 2022, phần còn lại do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Quận Hoàng Mai đang quyết liệt xử lý những vi phạm trên phần diện tích mình quản lý, bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, để làm công trình chào mừng 20 năm thành lập quận”.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần thống nhất quản lý để nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với một số dự án chậm tiến độ như Cung Thanh niên ở phố Tăng Bạt Hổ và phố Trần Bình Trọng, nguyên nhân là do thành phố phê duyệt nhiệm vụ đầu tư, nhưng chưa bố trí vốn; đồng thời, dự án nhiều lần được đổi chủ đầu tư. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện thành phố đã đưa hai công trình vào danh mục dự án đầu tư công mới cần bố trí đầu tư. Dự kiến, cả hai công trình sẽ được khởi công trong năm 2022.
Một số đơn vị cho thuê thiết chế văn hóa để kinh doanh là sai quy định pháp luật. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Thực trạng bất cập trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa ở cơ sở là do lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, chưa sâu sát. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện Quy hoạch Tổng thể thiết chế văn hóa -thông tin cơ sở và triển khai đến từng địa phương. Thành phố khuyến khích kết hợp vốn ngân sách với vốn xã hội hóa trong đầu tư vào thiết chế văn hóa; xây dựng quy chế khai thác, quản lý, hoạt động cho các thiết chế văn hóa. Trong đó, thành phố sẽ hướng dẫn cơ chế tự chủ kinh phí của các thiết chế”.
Tại phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa-thể thao do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao trên địa bàn; ưu tiên bố trí nguồn vốn, quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao.
Công tác quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao phải đi trước một bước; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa sang mục đích khác. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ưu tiên xây dựng các công trình văn hóa, thể thao.
Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Cung Thiếu nhi, Cung Thanh niên Hà Nội, các công viên, khu vui chơi giải trí... Các quận, huyện, thị xã tập trung bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định.