Cùng suy ngẫm

Tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn cũng khiến hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng cũng như nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đo mặn ở các huyện ven sông Hậu tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đo mặn ở các huyện ven sông Hậu tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn khoảng 20.510 ha lúa ở các tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là các diện tích được người dân xuống giống muộn, không theo khuyến cáo. Khu vực này cũng có khoảng 50.500 hộ dân (chiếm 3,6% tổng hộ dân) bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó, Bến Tre: 12.000 hộ, Kiên Giang: 20.000 hộ, Sóc Trăng: 6.400 hộ, Bạc Liêu: 4.900 hộ, Cà Mau: 3.900 hộ, Long An: 3.300 hộ.

Đây là các khu vực dân cư thuộc vùng nguồn nước dưới đất bị suy giảm; nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung có độ mặn vượt ngưỡng cho phép hoặc các hộ dân chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng.

Còn tại khu vực Trung Bộ, khoảng 2.400 ha lúa và cây ăn quả ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận bị hạn hán, thiếu nước. Qua cân đối nguồn nước, thời gian tới khu vực này có diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng ở vụ đông xuân 2023-2024 khoảng 3.700 đến 5.700 ha; vụ hè có từ 15.500 đến 21.000 ha cây trồng. Đối với khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có khoảng 9.860 ha cây trồng (chủ yếu là cây lâu năm) bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước; trong đó 66 ha lúa, hoa màu bị mất trắng.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn khả năng đã qua đỉnh điểm. Mặc dù các đợt xâm nhập mặn sắp tới xuất hiện ở mức thấp hơn đợt nửa đầu tháng 3 nhưng vẫn tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4. Các đợt xâm nhập mặn cao ở các cửa sông Cửu Long dự kiến xuất hiện vào các ngày 7-11/4 và từ 22-25/4. Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, có khả năng đạt đỉnh điểm trong tháng 4 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5. Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện có 58 hồ chứa nhỏ mực nước xuống dưới mực nước chết. Các hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia điều tiết nước phục vụ sản xuất có dung tích trữ phổ biến từ 40-70% dung tích thiết kế.

Ở Trung Bộ, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh phụ thuộc vào lượng nước trữ ở các hồ chứa thủy lợi và lượng nước bổ sung cho hạ du từ các hồ chứa thủy điện.

Tuy nhiên, hiện 14 hồ chứa nhỏ có mực nước thấp hơn mực nước chết. Theo dự báo, do mùa khô còn kéo dài đến hết tháng 7, tháng 8, cho nên cây trồng ở khu vực này tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, nhất là nếu nắng nóng xảy ra gay gắt, lượng nước trữ trong các hồ chứa giảm nhanh.

Nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh, các địa phương cần chủ động tích trữ nước đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Cùng với đó, cần khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; chỉ xuống giống khi có xuất hiện mưa, nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định; tiếp tục vận hành các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh.

Tại các vùng cây ăn quả, cần vận động nhân dân tiếp tục trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng như: Hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước, thiết lập các điểm cấp nước công cộng, cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước; mở rộng tuyến ống, khoan bổ sung giếng lấy nước ngọt, sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình cấp nước sinh hoạt hợp lý…