Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng

NDO - Do ảnh hưởng nắng hạn, xâm nhập mặn, nguồn nước ngọt từ các giếng khoan tầng nông tại các xã Tân Tập, Phước Vĩnh Đông (Cần Giuộc), Nhật Ninh và Đức Tân (huyện Tân Trụ) cạn kiệt; nguồn nước ngọt hợp vệ sinh từ Nhà máy nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) cung ứng không đủ đang làm cho hơn 20.000 nhân khẩu sinh sống tại các địa phương thiếu nước ngọt sử dụng nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tân Tập (Cần Giuộc, Long An) lấy nước ngọt từ xe chờ nước của đơn vị cấp nước hỗ trợ bà con trong lúc thiếu nguồn nước ngọt hợp vệ sinh từ hệ thống cấp nước.
Người dân xã Tân Tập (Cần Giuộc, Long An) lấy nước ngọt từ xe chờ nước của đơn vị cấp nước hỗ trợ bà con trong lúc thiếu nguồn nước ngọt hợp vệ sinh từ hệ thống cấp nước.

Để có nước ngọt hợp vệ sinh sử dụng trong ngày, người dân phải thức lúc 1 đến 2 giờ sáng để canh lấy nước từ hệ thống cấp nước của các đơn vị nhưng vẫn không đủ sử dụng trong ngày. Phương án giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt phổ biến của người dân mỗi ngày là đến nhà người thân ở khác xã chở từng can nước 30 lít về sử dụng.

Đối với những gia đình có nhu cầu sử dụng nhiều nước ngọt thì bấm bụng bỏ tiền mua nước ngọt từ các xe ba gác với giá 200 đến 300 nghìn đồng/m3 tùy theo đường vận chuyển.

Bà Đặng Thị Phương, ấp Tân Quý, xã Tân Tập (Cần Giuộc, Long An) cho biết, đã nhiều ngày qua gia đình bà và các hộ dân ấp Tân Quý phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt sử dụng trầm trọng. Trong khi đó gia đình đã lắp đặt hai đồng hồ nước của hai đơn vị cấp nước ngọt và phải thay phiên nhau thức lúc 1, 2 giờ sáng để canh lấy nước ngọt nhưng cũng không đủ sử dụng trong ngày.

Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng ảnh 1

Bà Đặng Thị Phương, ấp Tân Quý, xã Tân Tập thức lúc 1, 2 giờ sáng để canh lấy nước ngọt nhưng cũng không đủ sử dụng trong ngày.

Trường mẫu giáo trước cửa nhà không có nước để các cháu rửa tay rửa mặt, bà Đặng Thị Phương phải canh lấy nước mỗi đêm khuya cũng chỉ được khoảng 200 lít nước để sáng cho các cháu sử dụng. Đối với gia đình Phương, ngày hai lượt sáng, chiều con trai chạy xe đến nhà người thân ở khác xã chở từng can 30 lít về sử dụng tạm trong ngày.

Ông Lê Văn Tùng, ấp Tân Quý, xã Tân Tập nói: “Gia đình ở đây 40 năm mà vẫn chưa thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt khi đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn. Bây giờ bà con ở đây thức lúc 1, 2 giờ sáng để lấy nước giống như canh trộm. Nguồn nước ngọt hợp vệ sinh từ các nhà cung cấp về không đủ nên hai trạm tăng áp của ngành nông nghiệp đầu tư tại địa phương đang trong tình trạng khóa cổng rào”.

Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng ảnh 2

Ông Lê Văn Tùng, ấp Tân Quý, xã Tân Tập bên hồ chứa nước nhưng không lấy được nước trữ để sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, tiểu thương ở xã Tân Tập cho biết, gia đình có 5 người, cả tháng nay gia đình phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Cứ 4 ngày mới canh lấy được khoảng 1m3 nước ngọt từ hệ thống ống của 2 đơn vị cung cấp để sử dụng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã Tân Tập (Cần Giuộc, Long An) Nguyễn Thanh Tú cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay hơn 4.700 hộ dân, với gần 20.000 nhân khẩu trên địa bàn xã phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, nhu cầu nước sinh hoạt của toàn xã khoảng 1.800m3/ngày đêm nhưng các đơn vị cấp nước chỉ cung ứng được khoảng 500m3/ngày đêm.

Để giúp cho bà con có nước hợp vệ sinh sử dụng qua ngày, xã đã làm việc với các đơn vị cung cấp nước ngọt nhiều lần và chỉ giải quyết được theo phương án tạm thời là cấp nước luân phiên theo từng khu vực. Cùng với đó, đơn vị cấp nước tại địa phương đã phối hợp Nhà máy nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) chở nước ngọt hợp vệ sinh về cung cấp cho người dân địa bàn xã.

Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng ảnh 3

Người dân trên đường tỉnh 830 thuộc khu vực xã Tân Tập (Cần Giuộc) lấy nước từ xe của đơn vị cung cấp nước ngọt hỗ trợ nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giuộc (Long An) Nguyễn Anh Đức cho biết, ở xã Tân Tập và một phần Phước Vĩnh Tây đang xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng cục bộ. Đây là hai địa phương nằm cuối nguồn cấp nước của tuyến ống nhà máy nước Nhị Thành, giáp cửa sông ra biển.

Giải pháp trước mắt là huyện chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân tranh thủ tích trữ nước ngọt khi nhà cung cấp điều tiết về, sử dụng tiết kiệm, điều tiết xe chở nước cung cấp luân phiên cho từng khu vực.

Về lâu về dài, Cần Giuộc sẽ rà soát lại các giếng nước ngầm để giải quyết bài toán cấp bách trong mùa hạn, xâm nhập mặn. Cùng với đó địa phương sẽ phân vùng cấp nước, loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực, phối hợp Sở Xây dựng Long An xây dựng phương án đầu tư nước sạch phục vụ nhân dân.

Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng ảnh 4

Người dân xã Đức Tân (hyện Tân Trụ) tranh thủ lấy nước do Công ty Công trình đô thị Long An chở nước hợp vệ sinh hỗ trợ mỗi ngày.

Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ (Long An) Đỗ Huy Cường cho biết, tại xã Đức Tân và Nhật Ninh hiện có khoảng 130 hộ dân đang thiếu nước ngọt sử dụng cục bộ.

Giải pháp trước mắt địa phương đang được Công ty Công trình đô thị Long An hỗ trợ mỗi ngày 4 xe bồn chở 32m3 từ thành phố Tân An về cấp cho bà con sử dụng tạm. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Long An đang trình Ủy ban nhân tỉnh Long An khoan thêm giếng ngầm để tăng công suất trạm cấp nước phục vụ nhân dân.

Đại diện ban lãnh đạo Công ty cổ phần nước Biwase - Long An cho biết, Nhà máy nước Nhị Thành đã hoạt động hết công suất 60.000m3/ngày đêm nhưng vẫn không đủ nước cung cấp cho người dân xã Tân Tập, Phước Vĩnh Tây của huyện Cần Giuộc do các đơn vị này cuối tuyến ống, áp lực và lưu lượng không đảm bảo.

Để sớm đưa nước hợp vệ sinh đạt Quy chuẩn theo qui định của Bộ y tế về phục vụ dân sinh, tỉnh Long An đã chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp công suất lên 120.000 m3/ngày đêm.

Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng ảnh 5

12km đường ống gang, đường kính D1200 để dẫn nước thô đã được đơn vị chuẩn bị từ tháng 3/2023 đến nay vẫn chưa lắp đặt được.

Cuối năm 2023, đơn vị đã triển khai xây dựng trạm tăng áp tại xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước), công suất 30.000 m3/ngày đêm, dự kiến tháng 5/2024 đưa vào vận hành, đồng thời công ty cũng triển khai giai đoạn 3, lập các phương án lắp đặt đường ống D120 dẫn nước từ kênh Rạch Chanh (thành phố Tân An) về nhà máy xử lý phục vụ nhân dân.

Tỉnh Long An cũng đã cho chủ trương lắp đặt tuyến ống dọc theo đường tỉnh 818, chiều dài 2km. Đơn vị cũng đã họp với các sở, ban ngành tỉnh và địa phương nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thi công được đường ống dẫn nước thô về nhà máy do tỉnh chưa thống nhất phương án.

Để sớm đưa nước ngọt đến với người dân, đơn vị kiến nghị tỉnh Long An sớm cấp phép để đơn vị lắp đặt tuyến ống nước thô D1200 dọc theo đường tỉnh 818. Đây là giải pháp đẩy nhanh tiến động cấp nước ngọt hợp vệ sinh cho người dân sử dụng.

Còn theo phương án lắp đặt đường ống đi qua khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) và đất của người dân thì phải mất thêm nhiều thời gian vì phải thay đổi chủ trương đầu tư.

Nếu chủ trương cho phép lắp đặt đường ống dọc theo đường tỉnh 818 thì đến tháng 10/2024 sẽ dẫn nước ngọt hợp vệ sinh về cung cấp đủ cho người dân các huyện vùng hạ (Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức) sử dụng.

Hơn 20.000 nhân khẩu ở Long An thiếu nước ngọt sử dụng ảnh 6

Trạm tăng áp của ngành nông nghiệp đầu tư tại ấp Tân Quý, xã Tân Tập khóa kín cổng rào vì không có nguồn nước để hoạt động.

Đơn vị cam kết trả lại đúng hiện trạng mặt đường tỉnh 818 khu vực lắp đặt ống và thảm nhựa toàn bộ mặt trường 7m. Nếu các phương án không sớm được phê duyệt thì trạm tăng áp của công ty và Nhà nước đầu tư tại các địa phương sẽ lãng phí do không có nguồn nước.

Hiện tại, 12km đường ống gang, đường kính D1200 để dẫn nước thô đã được đơn vị chuẩn bị từ tháng 3/2023 và phải thuê mặt bằng để với giá 150 triệu đồng/tháng.