Tại Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Hiện thành phố đã cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%), bảo đảm hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022.
Người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến
Về thực hiện điểm hai nhóm thủ tục hành chính liên thông, thành phố đã tiếp nhận đạt tỷ lệ 37,1% liên thông khai sinh và 10,1 % liên thông khai tử, đồng thời tiếp tục tích cực cùng các bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế.
Đáng chú ý, nhằm thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và khai thác các tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thành phố đã cấp 6.018.769 thẻ căn cước công dân; 4.026.354 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; kích hoạt 15.121 định danh mức 1 và 528.785 định danh mức 2.
Dù thành phố đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ công trực tuyến, nhưng theo ông Lê Hồng Sơn, việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng.
Ông Lê Hồng Sơn dẫn chứng, hiện thành phố đang làm điểm về triển khai liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính nhưng thực tế chỉ có khoảng 10% người dân tự thực hiện được, còn lại hầu hết là công chức bộ phận Một cửa trực tiếp hỗ trợ. Nhiều trường hợp sau 2-3 lần nhập đi nhập lại không được, công dân không dùng và chuyển sang thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin điện tử của thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu. |
Lý giải nguyên nhân này, có ý kiến cho rằng hiện người dân vẫn cảm thấy an tâm hơn khi đến làm thủ tục hành chính trực tiếp tại các cơ quan hành chính. Mặt khác, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao, các quy định pháp luật chuyên ngành chưa kịp thời điểu chỉnh cùng với các ứng dụng công nghệ thông tin có thể đáp ứng, gây tâm lý “khó chịu” khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Đáng chú ý, một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến là việc có và sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ và các dịch vụ trên mạng Internet của người dân còn hạn chế. Không phải người dân nào cũng có máy in, máy scan…và thao tác trên thiết bị di động chưa thực sự đơn giản. Những thủ tục với nhiều quy trình phức tạp cũng sẽ khiến người dân bị rối, từ đó ngại sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Lan tỏa để người dân biết và sử dụng
Trên cơ sở xác định được nguyên nhân và kinh nghiệm khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến liên thông, để triển khai hiệu quả Đề án 06, thời gian tới thành phố Hà Nội đã tập trung xác định mục tiêu với phương châm “Người dân biết - Người dân sử dụng - Người dân tuyên truyền”.
Thành phố sẽ triển khai tập trung vào truyền thông cơ sở và hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”. Trong đó, việc thông tin truyền thông cơ sở được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thông qua thông tin báo chí, tài liệu tuyên truyền, phát thanh, chuyên mục, video clip hướng dẫn, các kênh thông tin mạng (Zalo, Facebook, Tiktok...); xây dựng chương trình “Chúng tôi là công dân số” với phương thức đơn giản, dễ hiểu.
Để hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa sẽ trực tiếp thông tin đến công dân về các tính năng, tiện ích, các dịch vụ công hiện đang cung cấp đồng thời hướng dẫn công dân cách thức thực hiện và hoàn tất hồ sơ nộp trực tuyến khi lần đầu công dân tiếp cận. Đoàn Thanh niên với sức trẻ và mức độ am hiểu về công nghệ thông tin, việc tham gia hướng dẫn và tuyên truyền tại Bộ phận Một cửa các cấp của các đơn vị và lan tỏa tiếp tới gia đình, bạn bè.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi… thì chính người dân sẽ là “tuyên truyền viên” hữu hiệu nhất, sự chia sẻ và truyền đạt qua kết quả trải nghiệm của người dân với bạn bè, người thân.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tương xứng và quy trình thuận lợi, đơn giản, tiến tới ưu tiên hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, miễn hoặc hỗ trợ, ưu tiên một phần phí, lệ phí đối với công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…