Xây dựng các nền tảng số để tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội thuận lợi

NDO - Chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Qua đó, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị về Đề án 06 ngày 25/12. (Ảnh: Trần Hải).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị về Đề án 06 ngày 25/12. (Ảnh: Trần Hải).

Rất nhiều nhóm đối tượng cần bảo đảm an sinh xã hội

Tại Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày 25/12, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, Bộ, ngành đang trực tiếp quản lý, hoặc tham gia quản lý cùng với các bộ, ngành khác có liên quan rất nhiều nhóm đối tượng để bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, có thể kể đến: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 51,6 triệu người; gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 1,8 triệu người cao tuổi; 6,2 triệu người khuyết tật; 25 triệu trẻ em; 9,2 triệu người có công (trong đó có khoảng 1,2 triệu người người có công hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng).

Đồng thời, toàn ngành có 329 thủ tục hành chính từ cấp trung ương đến cấp xã và 56 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Do vậy, ngành lao động-thương binh và xã hội luôn xác định, thực hiện chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số.

Nhiều nhóm đối tượng để bảo đảm an sinh xã hội: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 51,6 triệu người; gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 1,8 triệu người cao tuổi; 6,2 triệu người khuyết tật; 25 triệu trẻ em; 9,2 triệu người có công (trong đó có khoảng 1,2 triệu người người có công hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng).

Qua 1 năm triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, ngành đã đạt một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, ngành đã hoàn thành việc kết nối, xác thực, làm sạch gần 15 triệu dữ liệu trẻ em trong tổng số hơn 25 triệu dữ liệu trẻ em với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng quy trình hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06, sớm hơn 1 tháng so với yêu cầu đặt ra.

Cùng với đó, đã hoàn thành việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang cùng Bộ Công an tiến hành làm sạch, xác minh và bổ sung căn cước công dân cho hơn 3,2 triệu đối tượng bảo trợ xã hội.

Thêm vào đó, đã hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất về người có công với cách mạng, ưu tiên cơ sở dữ liệu người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong năm 2023, Bộ sẽ phối hợp Bộ Công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu người có công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với lĩnh vực giảm nghèo, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương thu thập dữ liệu chi tiết về hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung và thống nhất trên phạm vi toàn quốc, hoàn thành trong tháng 1/2023.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bộ Công an để xây dựng và triển khai phần mềm thu thập, cập nhật dữ liệu về người lao động thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, hệ thống phần mềm đã sẵn sàng triển khai phục vụ việc tiến hành thu thập cơ sở dữ liệu về người lao động trên toàn quốc.

Song hành với đó, Bộ đã hoàn thành xây dựng về công nghệ nền tảng hợp đồng lao động điện tử, hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động tiến hành ký hợp đồng trên môi trường số. Năm 2023, nền tảng này sẽ triển khai thí điểm tại một số địa phương có các khu công nghiệp tập trung, có nhiều doanh nghiệp FDI. Bộ cũng đang triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu số của Bộ, ngành.

Về triển khai một số dịch vụ công, Bộ đã hoàn thành triển khai 1 trong 25 dịch vụ cơ bản của Đề án 06 - dịch vụ công về giải quyết hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, đã hoàn thành xây dựng dịch vụ công liên thông thủ tục hành chính về trợ cấp mai táng phí cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hiện đang triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện chi trả không dùng tiền mặt ngay đầu năm 2023, ưu tiên đối với các đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai 1/25 dịch vụ cơ bản của Đề án 06 - dịch vụ công về giải quyết hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, đã hoàn thành xây dựng dịch vụ công liên thông thủ tục hành chính về trợ cấp mai táng phí cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hiện đang thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam.

Trước đó, đơn vị này phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) triển khai kết nối hệ thống để truyền nhận dữ liệu chi trả và thanh quyết toán, thực hiện cấp tài khoản ngân hàng cho đối tượng an sinh xã hội và chi trả cho đối tượng an sinh xã hội không dùng tiền mặt, bảo đảm công tác chi trả từ tài khoản thuận tiện. Đối tượng an sinh xã hội có thể rút tiền tại ngân hàng hoặc tại các điểm chi của bưu điện bao phủ đến cấp xã.

Hiện nay, VNPost triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại một số địa phương. Đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Chuyển đổi số để hỗ trợ các đối tượng an sinh xã hội kịp thời hơn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin về một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung triển khai trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, xây dựng hạ tầng số của Bộ, ngành, bao gồm nền tảng điện toán đám mây, bảo đảm an toàn bảo mật của hệ thống, phục vụ chuyển đổi số của Bộ, ngành.

Thứ hai, xây dựng các nền tảng số để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội thuận lợi.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ công hiện có của Bộ, ngành.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai chi trả không dùng tiền mặt để thực hiện chính sách an sinh xã hội được kịp thời và hiệu quả hơn theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xây dựng các nền tảng số để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội thuận lợi.

Đồng thời, người đứng đầu ngành lao động-thương binh và xã hội cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ xác minh dữ liệu, bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu lao động, việc làm, cơ sở dữ liệu giảm nghèo với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cần có cơ chế tài chính đặc thù cho chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng, cũng như cần bảo đảm nguồn kinh phí tương ứng. Với cơ chế tài chính và nguồn lực như hiện nay, rất khó để các bộ, ngành có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra của Đề án 06 một cách kịp thời, hiệu quả, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Đề án.