Thung Thi, hầm xuyên núi quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam chuẩn bị thông xe

NDO - Ngày 19/4, Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hầm xuyên núi Thung Thi, công trình hầm quy mô lớn trên đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang được hoàn thiện các hạng mục sơn kẻ đường, lắp đặt thiết bị an toàn giao thông để bàn giao cho chủ đầu tư, sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác dịp 30/4 tới đây.
0:00 / 0:00
0:00
Hầm Thung Thi - công trình hầm quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam.
Hầm Thung Thi - công trình hầm quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam.

Hầm Thung Thi có quy mô vĩnh cửu, là hạng mục quan trọng thuộc gói thầu 12-XL (dự án thành phần cao tốc bắc-nam, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45).

Hầm có chiều dài dài 680m, giá trị xây lắp 660 tỷ đồng, trên tổng số hơn 1.300 tỷ đồng giá trị gói thầu. Hầm được thi công theo phương pháp hiện đại, gồm 2 ống hầm, mỗi ống hầm có quy mô 3 làn xe cơ giới và 1 làn đi bộ, được bố trí đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thông gió.

Thung Thi, hầm xuyên núi quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam chuẩn bị thông xe ảnh 1

Hầm Thung Thi gồm 2 ống hầm, quy mô 3 làn xe cơ giới và 1 làn đi bộ.

Có mặt tại hầm Thung Thi, chúng tôi thấy từng tốp công nhân đang tiến hành phun nước rửa đường hầm, lắp đặt các hạng mục an toàn giao thông, cọc tiêu, biển báo, dự kiến sẽ hoàn tất toàn bộ trước ngày 24/4 tới.

Hệ thống đường gom, đường dân sinh cũng đã hoàn thành cấp phối đá dăm, nhà thầu đang tích cực triển khai thảm bê tông nhựa để hoàn thành theo đúng kế hoạch yêu cầu.

Giữ đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra, thị sát các dự án cao tốc bắc-nam đầu Xuân 2022, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động dàn phương tiện, máy móc hiện đại, cùng bộ máy nhân lực tinh nhuệ, duy trì thi công 24/7, thời gian thực hiện khối lượng xây lắp được rút ngắn chỉ còn 21 tháng, so với 24 tháng theo kế hoạch yêu cầu.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Phạm Duy Hiếu

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Phạm Duy Hiếu, “tổng chỉ huy” các dự án khu vực phía bắc của tập đoàn, sau hơn 2 năm thi công, thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, 100% khối lượng công việc tại hầm Thung Thi đã hoàn thành. So 5 gói thầu xây lắp của dự án Mai Sơn-quốc lộ 45, gói thầu 12-XL được khởi công muộn hơn do vướng mắc về khâu giải phóng mặt bằng.

Giữ đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra, thị sát các dự án cao tốc bắc-nam đầu Xuân 2022, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động dàn phương tiện, máy móc hiện đại, cùng bộ máy nhân lực tinh nhuệ, duy trì thi công 24/7, thời gian thực hiện khối lượng xây lắp (gồm cả đào hầm, phun bê tông gia cố vỏ hầm, bê tông mặt đường) được rút ngắn chỉ còn 21 tháng, so với 24 tháng theo kế hoạch yêu cầu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Phạm Duy Hiếu cho biết.

Thung Thi, hầm xuyên núi quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam chuẩn bị thông xe ảnh 2

Hơn 100 đầu máy, thiết bị, hơn 300 nhân lực được dồn về công trường thi công không kể ngày đêm, không có ngày nghỉ. Bên cạnh tăng mũi thi công, số lượng công nhân lái máy cũng được tăng tối đa, cứ 1 máy được tăng cường 3 công nhân lái máy. Công tác xử lý nền đất yếu được vận dụng mọi giải pháp để rút ngắn thời gian gia tải, tổ chức thi công cuốn chiếu. Sự quyết tâm ấy đã giúp nhà thầu hoàn thành nhiệm vụ sẻ chia khó khăn chỉ trong vòng 1 tháng.

Thung Thi, hầm xuyên núi quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam chuẩn bị thông xe ảnh 3

Gói thầu 12-XL trong đó có hạng mục hầm Thung Thi dài 6,6km, trị giá 1.300 tỷ đồng.

Trong quá trình thi công, dự án liên tiếp đối đầu với những khó khăn, vướng mắc, nhiều lúc tưởng chừng khó vượt qua. Ngay từ thời điểm khởi công, đại dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương áp dụng giãn cách xã hội, việc lưu thông, vận chuyển vật tư, vật liệu hết sức khó khăn, nhiều loại vật tư, vật liệu đặc chủng phục vụ thi công hầm bị “tê liệt” do tắc biên nhập khẩu.

Ngay sau khi dịch giảm nhiệt, dự án tiếp tục đối mặt “bão giá” vật tư, vật liệu. Chỉ số giá do các địa phương công bố không phản ánh đúng thực tế thị trường, các nhà thầu, doanh nghiệp tham gia thi công gói thầu chịu lỗ 30-45% so dự toán ban đầu.

Thung Thi, hầm xuyên núi quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam chuẩn bị thông xe ảnh 4

Toàn bộ gói thầu đã hoàn thành các hạng mục xây lắp, chuẩn bị khai thác.

Hiện tại, nhìn toàn bộ cung đường gần 6km thẳng tắp cùng công trình hầm hiện đại, hoành tráng của gói thầu 12-XL, ít ai biết chỉ khoảng 5 tháng trước, công địa của gói thầu hết sức bề bộn, ngổn ngang do khối lượng công việc nhà thầu Hoàng Long đảm trách còn tồn đọng quá lớn. Yêu cầu thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác gói thầu 12-XL tưởng như nhiệm vụ bất khả thi.

Giữa tháng 11/2022, lần đầu trực tiếp thị sát, kiểm tra dự án, tân Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng lúc đó đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Tập đoàn Đèo Cả, nhà thầu đứng đầu liên danh vào cuộc giải cứu phần việc bị chậm, hoàn thành trước ngày 30/12/2022.

Ông Phạm Duy Hiếu cho hay, dù biết rõ trong bối cảnh vật liệu leo thang, càng làm càng lỗ nhưng với trách nhiệm nhà thầu đứng đầu liên danh, không thể không làm, Đèo Cả tức tốc nhập cuộc hỗ trợ nhà thầu Hoàng Long trên phạm vi công địa dài 600m (từ km307-Km307+600), khối lượng đất đào khoảng 30.000m3 từ đồi Chùa Cao, đắp khoảng 100.000 m3.

Tuy nhiên, ngay sau đó, xảy ra mưa lớn kéo dài trong khoảng một tuần, gây khó khăn cho công trường trong quá trình thi công. Chưa kể, các loại vật liệu như đất đắp, cấp phối đá dăm loại 1, đá thi công bê tông nhựa gặp khan hiếm do các mỏ đất, đá đều vượt công suất cấp phép. Một số chủ mỏ vật liệu trong khu vực thi công biết được khó khăn vật liệu của nhà thầu đã ép giá, tăng giá gấp 1,5 lần so giá thị trường trước đó 1-2 tuần. Theo tính toán, khối lượng công việc “giải cứu” khoảng 50 tỷ đồng, Đèo Cả lỗ khoảng 20 tỷ đồng.

Thung Thi, hầm xuyên núi quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam chuẩn bị thông xe ảnh 5

Tuy phải chịu phát sinh thêm nhiều chi phí huy động máy móc thiết bị, nhân sự để triển khai thi công nhưng Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực vượt qua trở ngại để hoàn thành, bàn giao công trình theo tiến độ đề ra.

Dự kiến cuối tháng 4 này, Mai Sơn-Quốc lộ 45 là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc bắc-nam được khánh thành, đưa vào khai thác. Dự án hoàn thành giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 giờ thay vì hơn 3 giờ như hiện nay, không chỉ tạo thuận tiện cho người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.