Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư

Nhiều lao động nữ di cư “ôm mộng” đến các khu công nghiệp, khu chế xuất làm công nhân với mong muốn tìm kiếm việc làm, có thu nhập để nuôi con phụ giúp gia đình. Thế nhưng, khi đạt được mơ ước, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, công việc bấp bênh, đồng lương chưa theo kịp mức sống tối thiểu, đa phần con cái phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc để làm thêm với mong muốn tiết kiệm được khoản tiền chăm lo tương lai con cái sau này. Thiên chức làm vợ, làm mẹ của họ vì thế bị ảnh hưởng rất nhiều.
Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 1

Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và việc triển khai mô hình điểm về “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”.

Công việc rất vất vả, tôi phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tôi rất muốn có một công việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn để có thể lo cho gia đình. Tuy nhiên, tôi chưa có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để tìm được một công việc như ý nên vẫn phải tiếp tục ở lại công ty hiện tại, vừa làm vừa tìm cơ hội tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, lao động nữ di cư tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phân tích theo cơ cấu nhóm tuổi từ kết quả khảo sát, lao động nữ di cư có độ tuổi dưới 25 chiếm 8,2%; 45 tuổi trở lên chiếm 4,4%, tỷ lệ thấp. Nhiều nhất là lao động nữ di cư có độ tuổi 30 - dưới 35 chiếm 32,2%, sau đó là độ tuổi 25 - dưới 30, chiếm 22,7%.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, lao động nữ di cư tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở miền trung. Sau khi học hết cấp 3, tôi quyết định đến Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm, mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Tôi xin làm công nhân may ở một xưởng may ở quận 12. Công việc rất vất vả, tôi phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tôi rất muốn có một công việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn để có thể lo cho gia đình. Tuy nhiên, tôi chưa có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để tìm được một công việc như ý nên vẫn phải tiếp tục ở lại công ty hiện tại, vừa làm vừa tìm cơ hội tốt hơn".

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 2

Còn chị Nguyễn Thị C, 28 tuổi, quê ở Thanh Hóa, hiện đang làm công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Chị C di cư để tìm kiếm một cuộc sống bình yên hơn. Từng bị chồng bạo hành, chị quyết định rời quê hương để bắt đầu một cuộc sống mới. Chị C hy vọng rằng, với công việc mới, chị có thể sống hạnh phúc hơn.

Do lao động nữ di cư thường có mức thu nhập thấp, nên họ khó có thể mua hoặc thuê nhà ở riêng. Hầu hết những khu nhà trọ, nhà thuê của lao động nữ di cư thường có diện tích nhỏ, không bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh,... thiếu tiện nghi sinh hoạt.

Theo kết quả khảo sát nêu trên của Ban Nữ công, chỉ có 35,5 % lao động nữ di cư thuê được khu nhà trọ thoáng mát, đầy đủ tiện nghi. Còn lại hơn 64,7% lao động nữ di cư ở những khu chật chội, tối tăm thiếu riêng tư, thiếu tiện nghi sinh hoạt. Chỉ có 0,3% lao động di cư được ở miễn phí trong các khu ký túc xá của doanh nghiệp. Còn lại hơn 26% là lao động nữ di cư ở nhà người thân, bạn bè, bố mẹ.

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 3

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 19,2% lao động nữ di cư sống trong những khu nhà trọ có diện tích dưới 10m2; 30,3 % ở trong nhà trọ chỉ từ 10 đến dưới 20m2; 22,7% ở trọ với diện tích từ 30-40m2 và khoảng 28% là được ở khu trọ rộng rãi hơn 40m2. Một số lao động nữ di cư còn phải ở trong các khu nhà trọ tạm bợ, không bảo đảm an toàn. Đồng thời do tâm lý đi ở trọ, ở thuê nên là lao động nữ di cư thường tiết kiệm, không sắm sửa những vật dụng tiện ích trong gia đình.

Có 86,9% lao động di cư được khảo sát cho biết có việc làm ổn định và thu nhập đều hằng tháng. Chỉ có 13,1% cho rằng việc làm và thu nhập họ còn bấp bênh, chưa ổn định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là từ 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng để bảo đảm việc làm cho người lao động nhưng vẫn có từ 7,1% đến 35,7% người lao động phải nghỉ việc.

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 4

Thu nhập của gia đình lao động nữ di cư không đồng đều. Theo kết quả khảo sát, nhìn chung, tổng thu nhập của 45,8% số lao động nữ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp khoảng 10 triệu đồng/tháng. Từ đó dẫn tới 17,7% lao động nữ di cư đánh giá không đủ trang trải cuộc sống từ thu nhập hằng tháng và nhóm này tập trung nhiều nhất là công nhân làm việc trực tiếp. 40% lao động nữ di cư cho biết phải tằn tiện, chi tiêu mới đủ trang trải. 38,7% lao động chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày chứ không đủ tích lũy.

Khoảng 10% lao động nữ cho biết, họ lựa chọn cách vay mượn từ người thân, bạn bè, các tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn về tài chính. Mặc dù chỉ chiếm số nhỏ, nhưng việc vay mượn có thể khiến lao động nữ rơi vào tình trạng nợ nần, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của họ, nhất là khi họ vay mượn từ các tổ chức tín dụng đen.


Việc vay mượn có thể khiến lao động nữ rơi vào tình trạng nợ nần, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của họ, nhất là khi họ vay mượn từ các tổ chức tín dụng đen.


Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 5

Chị Lê Thị Tuyết, 25 tuổi, quê ở Nghệ An, hiện đang làm công nhân điện tử ở một công ty đóng tại tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết đã làm việc ở thành phố Hà Nội được 3 năm, thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Hằng tháng, chị phải trả tiền thuê trọ 2,5 triệu đồng/tháng. Tiền điện, nước, điện thoại khoảng 600 nghìn/tháng, ngoài ra đóng học phí cho con trai 5 tuổi. Mỗi tháng chị tiết kiệm được 1,5 triệu đồng.

Còn Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam, hiện đang làm công nhân tại một nhà máy may ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi làm công nhân đã được 5 năm. Thu nhập của tôi chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, không đủ để gửi về quê cho gia đình. Tôi phải làm việc thêm giờ để có thêm thu nhập, nhưng cũng vì thế mà sức khỏe ngày càng yếu đi".

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 6

Có đến 40,5% lao động nữ di cư có con nhưng phải gửi con về quê khẳng định, họ chỉ gửi con về quê tạm thời, sau khi ổn định sẽ đón con lên chăm sóc. 29,5% cho rằng, gửi con về quê là bắt buộc vì cha mẹ không có điều kiện nuôi dạy trẻ, chăm sóc trẻ và 23,8% cho biết việc đem con về gửi cha mẹ là điều tất yếu.

Điều này cũng phản ánh thực trạng hiện nay là một lượng lớn lao động nữ sau khi lập gia đình, sinh con vì cuộc sống mưu sinh bắt buộc phải rời xa quê hương để tìm kiếm việc làm, thu nhập. Tuy nhiên, do điều kiện nơi đến quá khó khăn (hạn chế về nơi ở, điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc, chi phí gửi trẻ....) nên họ không thể mang theo con, đành để con ở quê cho người thân chăm sóc.

Do công việc ca kíp, việc cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của công nhân nữ cũng gặp cản trở. Vẫn còn 13% lao động nữ cho trẻ ăn sữa ngoài do không có thời gian vắt trữ sữa. Việc phải lao động nhiều giờ trong môi trường nặng nhọc, độc hại khiến lượng sữa của công nhân nữ bị ít đi, không bảo đảm nguồn sữa cho con. Đặc biệt là lao động nữ di cư xa con nên không có thời gian cho con bú, uống sữa mẹ nên phải cho con dùng sữa ngoài.

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 7

Phó Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Thu Phương cho biết, điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải xa con.

Một nữ công nhân tên H. cho biết: Ban đầu gửi con về quê, cứ cuối tuần là vợ chồng đều cố gắng sắp xếp thời gian về thăm con. Tuy nhiên, thời gian sau đó, do công việc vừa bận rộn cộng với ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thường xuyên về. Vợ chồng chỉ còn cách thường xuyên nói chuyện với con qua điện thoại. Một thời gian sau, khi mới đón con lên ở cùng, tôi phải đưa con đi khám bác sĩ vì nghĩ rằng con bị tự kỷ. Do thời gian dài không được mẹ chăm sóc, con tôi nhạy cảm hơn. Chỉ cần cảm nhận rời vòng tay mẹ vài giờ là con tỏ thái độ sợ hãi. Cháu thường la hét, cáu gắt hơn, đi học không cảm thấy vui. Mỗi lần nhắc về với ông bà nội là rất sợ. Từ đó, chúng tôi quyết định không gửi cho ông bà mà dành thời gian quan tâm con nhiều hơn.


Nhiều lao động nữ đơn thân đã phải tìm đến sự trợ giúp của người thân. Vì vậy, cũng làm gia tăng tình trạng gửi con về quê dẫn đến trẻ em thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha mẹ.


Trong gia đình lao động nữ di cư, 70,6% vợ chồng cùng đóng góp kinh tế để lo công việc chung. Tuy nhiên, vẫn còn 65% cho biết vợ chồng chưa hòa hợp trong đời sống, 83,9% vợ chồng khác quê nên phải đi lại xa để chăm lo công việc hai bên. Những yếu tố này cũng là rào cản trong đời sống gia đình và ảnh hưởng trực tiếp tới việc chăm sóc, nuôi dạy con của lao động nữ di cư.

Hiện nay, tình trạng ly hôn, ly thân trong công nhân, lao động sinh sống tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có xu hướng gia tăng cũng góp phần làm tăng tỷ lệ lao động nữ đơn thân phải nuôi con một mình, tạo thành gánh nặng không hề nhỏ với đối tượng này.

Nhiều lao động nữ đơn thân đã phải tìm đến sự trợ giúp của người thân. Vì vậy, cũng làm gia tăng tình trạng gửi con về quê dẫn đến trẻ em thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 8

Lao động nữ chiếm tới hơn 60% tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó đa số là lao động nữ di cư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội nơi địa phương mà họ di cư tới.

Do vậy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng này để đưa ra những ưu đãi để họ được bình đẳng hưởng các chính sách, chế độ như lao động địa phương.

Cụ thể như: Ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho lao động nữ di cư như tiền nhà trọ, được thuê trọ giá rẻ, hỗ trợ học phí cho con em họ. Dùng ngân sách địa phương xây nhà trẻ, trường học, khu vui chơi, nhà ở xã hội có giá ưu đãi cho công nhân lao động. Có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo tạo việc, thu nhập bền vững cho người lao động.

Lao động nữ chiếm tới hơn 60% tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó đa số là lao động nữ di cư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội nơi địa phương mà họ di cư tới.

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 9

Đối với doanh nghiệp, cần tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở hoạt động để công đoàn tổ chức nhiều hoạt động cho công nhân, lao động tham gia như các buổi đào tạo, tập huấn về bình đẳng giới và chính sách pháp luật, tư vấn về việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe, hôn nhân, gia đình… Tạo điều kiện về không gian, thời gian, kinh phí để công đoàn cơ sở hoạt động nhằm chăm lo tốt hơn nữa đối với đoàn viên, người lao động, trong đó có lao động nữ di cư.

Chủ động phối hợp với công đoàn trong việc chăm lo cho lao động nữ như tăng hỗ trợ phụ cấp nhà ở, đi lại, lắp đặt thêm phòng vắt trữ sữa, tạo nhiều việc làm và thực hiện tốt các chế độ hơn nữa cho lao động nữ; chăm lo tốt hơn về đời sống vào các dịp lễ tết; tổ chức tham quan du lịch.

Đối với tổ chức công đoàn, cần có thêm những chính sách hỗ trợ người lao động nữ di cư. Đó là những chính sách thiết thực như: Hỗ trợ tiền thuê nhà; xúc tiến nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, khen thưởng cho cán bộ, công nhân nữ có sáng kiến trong lao động; đề xuất Nhà nước và người sử dụng lao động áp dụng tăng thời gian hưởng chế độ khám thai 9 ngày…; tăng cường các buổi tuyên truyền dành cho công nhân lao động di cư về các chủ đề: bình đẳng giới, nuôi dạy con, gia đình, chính sách pháp luật; có nhiều việc làm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; có những hoạt động tiếp xúc với người sử dụng lao động để hiểu về đời sống thu nhập công nhân; thường xuyên khảo sát đoàn viên công đoàn lấy tiếng nói thực tế của đoàn viên cơ sở .

Bên cạnh đó, cần có nhiều chính sách cho con em di cư giúp cho công nhân nữ di cư yên tâm lao động. Cụ thể như: xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp; tạo điều kiện cho con em công nhân có nhiều hoạt động vui chơi, hè tổ chức nhiều chương trình cho các cháu; hỗ trợ vé xe cho hộ gia đình dịp Tết Nguyên đán; xây dựng quỹ khuyến học; hỗ trợ thủ tục pháp lý cho con công nhân. Đồng thời, tổ chức các hoạt động để người lao động di cư hòa mình với cuộc sống xa nhà để vơi đi nỗi nhớ nhà, an tâm làm việc.

Thực trạng quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của lao động nữ di cư ảnh 10

-------------------

Tổ chức: KIM PHƯƠNG BÌNH - THẢO LÊ

Nội dung: THANH HÀ - NGÂN LÊ

Trình bày: PHƯƠNG NAM

back to top