Tăng cường bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ di cư

NDO - Ngày 15/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả khảo sát về “Về thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Đỗ Hồng Vân phát biểu khai mạc.
Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Đỗ Hồng Vân phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân cho biết, tại các khu công nghiệp-chế xuất có hơn 70% là lao động nữ. Số lao động này hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương hằng tháng của lao động nữ di cư dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng (chiếm hơn 60%). Ngoài ra, lao động nữ di cư được doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền ăn ca, ăn trưa (khoảng 400-600 nghìn đồng/tháng); tiền làm thêm giờ; tiền hỗ trợ nhà ở; phụ cấp trách nhiệm… Chỉ có 3,7% người lao động trong mẫu khảo sát có tiền tích lũy hàng tháng.

Chấp nhận xa con, vì tương lai của con

Tình trạng ly hôn, ly thân của nữ lao động di cư ở các khu công nghiệp, chế xuất cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nhóm này chiếm khoảng 10% tổng số lao động nữ di cư.

Đa số lao động nữ di cư trong nhóm này di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống sau khi ly hôn, ly thân.

Đa số lao động nữ di cư là những người đã kết hôn, có con. Theo kết quả khảo sát, có 95,5% lao động nữ di cư đã có con; trong đó lao động nữ di cư có 1 con chiếm 33,4%, có 2 con chiếm 51.2%, 3 con trở lên chiếm 15,3%. Lao động nữ mang thai chiếm tỷ lệ ít (4,5%).

Lý do họ chọn địa phương hiện tại để làm việc với mong muốn có thu nhập ổn định để thay đổi cuộc sống (64%); muốn đi làm để có một khoản tiết kiệm, sau này về quê sinh sống (25,7%); vì ở thành phố có điều kiện sống tốt hơn (21,9%), muốn tìm kiếm bạn đời (3,3%); muốn con cái của mình có cuộc sống tốt hơn (41,3%).

Vì vậy, nhiều lao động nữ di cư chấp nhận phải xa con, hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn về nhà ở, phương tiện sinh hoạt cũng là vì tương lai của con cái họ.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ di cư ảnh 1

Đoàn khảo sát tiến hành khảo sát tại các khu nhà trọ có lao động nữ di cư.

54% lao động nữ di cư khi đến nơi nhập cư đều thuê nhà ở, không có nhà riêng. Họ thường ở trong những khu nhà trọ có điều kiện chật chội, không gian nhỏ, thiếu không gian sinh hoạt, gần 50% lao động nữ di cư ở khu nhà dưới 20m2; thiếu thốn vật chất, tiện nghi chiếm hơn 50%. Do thu nhập thấp cho nên lao động nữ di cư lựa chọn thuê nhà giá từ 1-2 triệu đồng/tháng.

Do thiếu điều kiện chăm sóc, 31,6% con nhỏ lao động nữ di cư được gửi về quê nhờ người thân gia đình chăm sóc; 40,5% lao động nữ cho biết họ gửi con về quê tạm thời, sau khi ổn định sẽ đón con lên. 29,5% cho rằng gửi con về quê là bắt buộc, vì cha mẹ không có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc trẻ. 23.8% cho biết gửi con về quê là điều đương nhiên, vì như thế mới phù hợp với điều kiện của cha mẹ phải đi làm ăn xa.

Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ; đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của bản thân người lao động khi phải xa con.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ di cư

Dựa trên những phân tích về tình hình lao động nữ di cư trong thời gian qua, Phó Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng nhóm khảo sát Trần Thu Phương dự báo xu hướng lao động di cư sẽ tiếp tục diễn ra, trong đó lao động nữ di cư chiếm tỷ lệ ngày càng cao.

Do đó, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp như: hỗ trợ xây nhà trẻ, xây nhà cho công nhân thu nhập thấp, hạn chế tín dụng đen..., nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ nói chung, lao động nữ di cư nói riêng.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, lao động nữ di cư về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, để người sử dụng lao động và lao động nữ di cư hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nói chung, lao động nữ di cư nói riêng.

Tăng cường vai trò của công đoàn cơ sở trong việc tư vấn, hướng dẫn lao động nữ di cư về các chính sách, chế độ hỗ trợ như quyền lợi của lao động nữ, các chế độ chính sách, hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp dành cho lao động nữ di cư, hướng dẫn về các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ di cư (như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị....).

Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo cho lao động nữ di cư như tổ chức các cuộc tuyên truyền, đào tạo về thích ứng với cuộc sống mới nơi di cư đến để làm việc; nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ số hoặc các nền tảng học tập trực tuyến; kết nối trái tim, giới thiệu bạn đời; hòa giải mâu thuẫn gia đình; phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình...

Khảo sát do Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8/2023 với hơn 900 lao động, 32 chủ sử dụng lao động và 62 cán bộ công đoàn tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh…