Cất lên tiếng nói
Triển lãm gồm ba phần: “Nơi tôi đi” - giới thiệu quê hương của các nữ lao động di cư cũng như lý do họ rời quê nhà để ra thành phố làm việc; “Nơi tôi đến” - những khó khăn, thiệt thòi của họ trong thời gian lao động, sinh hoạt tại Hà Nội; “Nơi ấy có tôi” - cảm xúc và mong ước của các nhân vật về việc giải tỏa áp lực cuộc sống, tận hưởng hạnh phúc bình dị cùng người thân.
Triển lãm đưa tới góc nhìn đa chiều hơn về hành trình của lao động nữ di cư, từ đó thấu hiểu được khó khăn mà họ phải đối mặt. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc bảo tàng chia sẻ: “Những người phụ nữ đến các thành phố kiếm sống, một phần để gửi tiền về cho gia đình và trang trải cuộc sống ở nơi xa quê hương nên họ thường thấy ngại trong việc chia sẻ câu chuyện của mình”.
Gánh nặng kinh tế, rào cản văn hóa hay sự phân biệt vùng miền, giọng nói khiến nhiều người cảm thấy mặc cảm, không dám chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Chị Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi, Thanh Hóa), một khách mời của sự kiện, chia sẻ: “Học hết lớp 9, tôi lên Hà Nội đi bán hàng rong lấy tiền phụ giúp gia đình. Bươn chải từng ấy năm, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ được mọi người quan tâm, cho tôi được cất tiếng nói như thế này”.
Việc đưa ra quyết định di cư từ quê lên Hà Nội vốn chẳng dễ dàng gì. Những người phụ nữ không chỉ gặp khó khăn trong bữa ăn giấc ngủ, họ còn phải bảo vệ chính mình khỏi những tệ nạn ngoài xã hội. Bà Danielle Labbé, PGS Trường Quy hoạch đô thị và Kiến trúc cảnh quan, Đại học Montreal (Canada) cho hay: “Nữ thanh niên di cư ít có cơ hội sử dụng không gian công cộng hơn nam giới. Do đặc thù nghề nghiệp, một số làm giúp việc gia đình, họ không có thời gian ra ngoài. Một số khác khi ra những nơi công cộng dễ bị quấy rối, họ thường mặc cảm với vẻ bề ngoài của mình, dễ tổn thương bởi những lời bình phẩm”.
Mong mở ra chương mới
“Nơi tôi đến” đã đem đến những câu chuyện không phải ai, lúc nào cũng thấy được. Cũng từ đó, hình ảnh những người phụ nữ di cư, làm những công việc vất vả trong mắt người tham dự cũng thay đổi nhiều. Bạn Hồng Nhung, sinh viên ngành Bảo tàng Trường đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Em cảm thấy sự kiện rất ý nghĩa, nhất là đối với những người trẻ như chúng em. Đây là một cơ hội để những người phụ nữ di cư lên thành phố mưu sinh có thể đứng trước tất cả mọi người nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình về những gì họ đã trải qua. Triển lãm giúp em hiểu được nhiều hơn về những góc khuất của cuộc sống, em được lắng nghe nhiều hơn để hiểu hơn, cảm thông với những người phụ nữ ấy”.
Nhận thấy sự lao động thầm lặng của những người phụ nữ di cư gặp nhiều vất vả, khó khăn, chính họ cũng khó cất lên được tiếng nói của mình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mời nhiều đại diện cơ quan, tổ chức đến tham dự triển lãm. Qua đó, lan tỏa sự đồng cảm và tăng khả năng giúp đỡ các chị em. Như bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ về thông điệp triển lãm: “Kể cả nơi tôi đi hay nơi tôi đến cũng là nơi đáng sống, mình phải hòa cùng, tất cả là một và ở đâu cũng là nơi đáng sống”.
Triển lãm góp phần đề xuất, chúng ta không chỉ hành động với những cá nhân, mà cần hướng tới những giải pháp tốt hơn cho cộng đồng những người phụ nữ di cư tại Hà Nội. Dù không thể mang cho họ những bữa cơm no, những giấc ngủ ngon nhưng ít nhất ở không gian sống, họ cảm thấy được an toàn, được mọi người chung quanh tôn trọng, giúp đỡ. Đây cũng là mong muốn giản đơn mà họ muốn gửi gắm đằng sau việc chia sẻ câu chuyện của chính mình.
Theo ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE & điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, chúng ta cần phải triển khai nhiều không gian công cộng, nhiều không gian xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội hơn nữa để phục vụ cho những người phụ nữ lao động tay chân. Những người dân lao động vất vả đó đôi khi chỉ ngồi nghỉ chân tạm ở cửa nhà nào đó cũng không được. Điều này với thời tiết khắc nghiệt tại Hà Nội thì rất vất vả. Mục tiêu hướng đến là vì cộng đồng, vì những người dân lao động là trên hết.
Ngoài ra, ông Bình nhấn mạnh, để những người phụ nữ tự tin hơn, chúng ta cần nhiều hơn sự quan tâm đến họ, cho họ thấy được dù là những người di cư, họ cũng được tôn trọng, bình đẳng như những người khác. Cần tổ chức nhiều sự kiện hơn nữa để chính họ thấy được cuộc sống không chỉ vất vả làm việc, còn rất nhiều niềm vui đang đến. Triển lãm “Nơi tôi đến” sẽ là sự kiện mở đầu cho hành trình giúp những người phụ nữ di cư lao động vất vả thêm yêu cuộc sống, luôn cảm thấy dù ở đâu cũng là nơi đáng sống của chính họ.