Quyền về nhà ở cho phụ nữ di cư

Di cư vừa là vấn đề tất yếu vừa là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia, theo xu hướng từ khu vực nông thôn ra đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019 cho thấy, trong dòng chảy di cư, hơn 13% số dân cả nước là người di cư, trong đó, nữ giới chiếm 55,5%. Nhìn từ góc độ giới, khi phải rời xa quê hương, gia đình đi kiếm sống, phụ nữ di cư đối diện với nhiều khó khăn và nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% gặp khó khăn về chỗ ở, 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội. Hình thức đăng ký tạm trú chủ yếu của phụ nữ di cư là ngắn hạn. Phần lớn họ đang thuê nhà ở trọ trong điều kiện chật chội, ẩm thấp, các điều kiện sống như nước sạch, điện sinh hoạt, nhà vệ sinh không đầy đủ, thiếu những trang thiết bị thiết yếu cho cuộc sống. Ðiều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đe dọa không gian sống an toàn cho phụ nữ. Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà, giá điện, nước sạch ngày một tăng, không được kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập vốn ít ỏi, bấp bênh của đối tượng này.

Với đặc thù về giới và giới tính, hơn ai hết, phụ nữ di cư cần chỗ ở an toàn, bảo đảm về sinh hoạt hằng ngày. Ðây là một trong những nội dung được Ðảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể quan tâm, điều này thể hiện trong các quan điểm, chủ trương của Ðảng và các văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, điều kiện sống và sinh hoạt của phụ nữ di cư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhà ở, việc tiếp cận các chính sách về nhà ở của phụ nữ di cư còn hạn chế.

Nhìn rõ thực trạng này, thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chính sách, pháp luật để phát triển lao động nữ, bảo đảm quyền an sinh xã hội, nhất là bảo đảm quyền nhà ở cho phụ nữ di cư. Tại khoản 1 Ðiều 6 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: "Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình". Nội hàm của nguyên tắc này bao gồm bình đẳng trong việc thụ hưởng các chính sách xã hội, an sinh xã hội.

Nhằm đáp ứng những dịch vụ an sinh xã hội thiết yếu, bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư, nhất là phụ nữ di cư, Chính phủ đã đưa nhóm lao động này vào đối tượng điều chỉnh của một số đạo luật: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế... Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 xác định lao động di cư là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ, tương đương nhóm đối tượng khó khăn thuộc diện nghèo đa chiều. Trong Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: Mọi người dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có quyền được bảo đảm mức tối thiểu về nhà ở, nhất là đối với phụ nữ di cư. Năm 2015, Việt Nam cam kết nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Trong đó, tất cả các mục tiêu đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các quá trình di cư. Trên cơ sở đó, xây dựng các mục tiêu cụ thể phù hợp bối cảnh riêng và các mục tiêu phát triển của Việt Nam, như: giảm sự yếu thế, giảm sự mất công bằng giữa các dân tộc, bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng cho nhóm lao động nữ di cư nghèo.

Có thể thấy, các chính sách, pháp luật quy định đã tập trung vào bảo đảm quyền về nhà ở đối với phụ nữ di cư trên quan điểm bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội. Liên quan đến bình đẳng giới, một số luật, một số nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ có liên quan đã hướng dẫn về việc tạo điều kiện sống cho lao động di cư như: giảm mức chi phí tiền điện, chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng, bảo đảm nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực tiễn triển khai đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như: chưa có chính sách nhà ở chuyên biệt cho phụ nữ di cư; đối tượng này còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nhà ở, các chính sách về nhà ở.

Các chuyên gia về giới cho rằng, để các chính sách, pháp luật về nhà ở cho phụ nữ di cư được triển khai có hiệu quả hơn, đúng, trúng đối tượng, khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần coi nhóm phụ nữ di cư là một nhóm được ưu tiên; tăng cường truyền thông trực tiếp cho đối tượng phụ nữ di cư về chính sách, luật pháp, quyền và nghĩa vụ, nhằm tăng tính chủ động của họ trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, chuẩn bị hồ sơ để tiếp cận các chính sách nhà ở. Ðối với các nhóm phụ nữ di cư chưa có nhu cầu hoặc chưa có khả năng mua nhà ở xã hội, cần khuyến khích, tạo cơ chế cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các chủ nhà trọ xây dựng các mô hình nhà ở an toàn, bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ di cư; tiếp tục hoàn thiện các chính sách hiện hành, bổ sung hoặc sửa đổi các điều kiện ưu tiên đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, khuyến khích họ tham gia tích cực hơn trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động.