Thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

NDO - Ngày 18/12, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Trung ương Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025) và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn II (2026-2030) khu vực phía bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị.

Các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự, có lãnh đạo Ủy ban nhân dân 19 tỉnh khu vực phía bắc.

Theo báo cáo đánh giá, nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là hơn 47,157 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là hơn 37,890 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 9,274 nghìn tỷ đồng, giải ngân đến ngày 30/9/2024 đối với vốn ngân sách trung ương đạt 58,3%, vốn ngân sách địa phương đạt 75,7%.

Đến nay, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc có 5/8 nhóm mục tiêu cơ bản đã đạt kế hoạch, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,2%; có 3/8 nhóm mục tiêu với 7 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, quá trình triển khai có khó khăn, việc ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, triển khai văn bản hướng dẫn của trung ương.

Nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương do đa số là những tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc ngân sách trung ương hỗ trợ; khó khăn trong việc xác định đối tượng trong tổ chức thực hiện của các địa phương, một số nội dung không còn đối tượng hoặc không đủ các điều kiện để hỗ trợ; quy trình triển khai thực hiện và quá trình tổ chức thực hiện nhiều vướng mắc.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định tầm quan trọng của Chương trình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình xuất phát từ một số điểm nghẽn trong thể chế, sự phối hợp chưa nhịp nhàng và tình hình thực tiễn biến động về đối tượng, địa bàn nên định mức không còn phù hợp trong quá trình thực hiện.

Đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các cơ quan chủ trì thực hiện cần tiếp thu đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của địa phương tại Hội nghị, làm cơ sở để nghiên cứu giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn.

Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, rà soát, kịp thời phát hiện những vướng mắc để sớm khắc phục, trong đó cần chú trọng hệ thống văn bản pháp lý, trình tự thủ tục hồ sơ; công tác chỉ đạo điều hành, phân cấp phân quyền và phối hợp của từng cấp chủ trì thực hiện.

Các địa phương phải có khung chương trình trong giai đoạn tới bảo đảm sát, đúng, gắn với thực tiễn và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, trong đó cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Vì vậy, các địa phương phải mạnh dạn đổi mới tuy duy, thay đổi cách tiếp cận chính sách, làm tốt công tác phối hợp, tăng tính chủ động trên cơ sở sắp xếp bộ máy hợp lý, con người hợp lý để làm tốt công tác tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình trong giai đoạn 2026-2030.