Cho những cánh rừng xanh trở lại

Bão số 3 gây thiệt hại nặng đến sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các chủ rừng tích cực thu dọn cây gãy, đổ để chuẩn bị bước vào chu kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Cho những cánh rừng xanh trở lại

Khẩn trương thu dọn cây gãy, đổ

Theo thống kê, bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 37.000 ha rừng trồng, hàng trăm héc-ta rừng tự nhiên và hàng triệu cây giống tại các vườn ươm, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng. Nhiều khu rừng bị bão xóa sổ, trong đó các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế bị thiệt hại nặng nhất.

Tại huyện Lục Ngạn, những ngày này trên những khu rừng trồng bị thiệt hại bởi bão, không khí lao động khẩn trương, tiếng cưa, máy xúc dọn đường lâm nghiệp vang khắp nơi. Hộ ông Nguyễn Văn Mười ở xã Nam Dương bị thiệt hại khoảng 50 ha rừng bạch đàn, chủ yếu cây từ hai đến ba năm tuổi. Hiện nay ông thuê máy sửa chữa đường vận chuyển lâm sản và hơn 10 nhân công để thu dọn, xử lý cây bị gãy, đổ, đồng thời thu dọn thực bì để tổ chức chăm sóc chồi cho chu kỳ tiếp theo. Đối với những cây bị nghiêng, đổ còn khả năng phát triển được chằng chéo, dựng lại.

Theo ông Mười, nhiều cánh rừng hiện không còn đường lên do bị sạt trượt, cây gãy, đổ chặn lối đi. Trong khi giá thu mua gỗ nguyên liệu giảm mạnh do chất lượng gỗ chưa đạt tiêu chuẩn, cộng với tình trạng quá tải của xưởng chế biến gỗ, do một số cơ sở bị thiệt hại về nhà xưởng, máy móc chưa thể vận hành. Ngoài ra, chi phí thuê nhân công thu dọn, khai thác cao (khoảng 400-500.000 đồng/người/ngày), cộng thêm nếu như trước bão người dân bán được từ 1-1,1 triệu đồng/tấn gỗ thì giờ tận thu chỉ được 500-700.000 đồng/tấn. “Rừng càng xa, đường khó đi thì chi phí nhân công, vận chuyển càng lớn, số tiền thu được từ khai thác gỗ tận thu không đủ chi phí nhưng người dân vẫn phải nhanh chóng khai thác để kịp cho chu kỳ trồng mới”, ông Nguyễn Văn Mười cho biết.

Bão số 3 đã khiến 4,5 ha keo 5 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Bá Họa ở xã Bồng Am (huyện Sơn Động) bị gãy, đổ gần hết. Theo ông Họa, nếu không có trận bão này chỉ năm sau gia đình ông sẽ có khoản thu hơn 600 triệu đồng. “Trông mong mãi đến ngày thu hoạch nhưng nay đành ngậm ngùi bán được 40 triệu đồng, không đủ chi phí thuê nhân công thu dọn, rồi chi phí đầu tư trồng mới. Tôi đã thuê người thu dọn mặt bằng để kịp thời đầu tư trồng rừng cho vụ tới”, ông Họa ngậm ngùi kể.

Chuẩn bị cho vụ tới

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, đến nay tổng diện tích rừng đã khắc phục sau bão đạt hơn 6.000 ha. Trong đó khai thác tận thu gỗ và lâm sản gần 2.000 ha; diện tích phục hồi hơn 5.000 ha (phát bớt cành, lá, dựng, níu cây nghiêng đổ, nèn chặt gốc để cây tiếp tục sinh trưởng).

Các vườn ươm cũng khẩn trương sửa chữa hạng mục bị hư hỏng, tiêu độc khử trùng, thực hiện biện pháp kỹ thuật như: Khơi rãnh thoát nước, phun thuốc phòng chống nấm bệnh. Đồng thời nhanh chóng triển khai sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng, số lượng cung cấp cho công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán vụ tới.

Về vấn đề khôi phục sản xuất, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho biết: “Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị gãy, đổ bật gốc; phát bớt cành, lá, dựng, níu cây nghiêng, đổ; lèn chặt gốc để cây rừng tiếp tục sinh trưởng. Riêng diện tích bị đổ, gãy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không bảo đảm tiêu chí thành rừng thì khai thác, tận thu toàn bộ số cây để trồng lại rừng mới. Với số diện tích rừng trồng bạch đàn chu kỳ 1, khi khai thác tận thu có thể kinh doanh chồi bằng biện pháp cắt gốc cây sát mặt đất”.

Ngoài ra, theo cơ quan chuyên môn, người dân cần lựa chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, nếu kinh doanh gỗ nhỏ nên chọn các loài cây sinh trưởng nhanh, như: Keo lá tràm, các dòng Keo lai BV10, BV16, AH1 và các dòng bạch đàn lai. Với rừng trồng phòng hộ, đặc dụng, ưu tiên trồng cây bản địa đa tác dụng, cây có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển, cây sống lâu năm và có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh như: Lim xanh, vối thuốc, thanh thất, giổi…

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tăng cường thu mua, tiêu thụ sản phẩm, không để xảy ra tình trạng ép giá lâm sản, đồng thời, thực hiện tốt phương châm phòng cháy rừng là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả. Các chủ rừng chủ động vệ sinh, thu dọn, tiêu hủy vật liệu cháy trong rừng…

Với những biện pháp được triển khai khẩn trương, tích cực như trên, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh sẽ sớm khôi phục sản xuất, để những cánh rừng sớm hồi sinh ■