Trao cơ hội khởi nghiệp cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu

NDO - Chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Lai Châu” do tổ chức Plan International Việt Nam tại Lai Châu tài trợ hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế kinh tế và xã hội, giúp các em được phát triển trong môi trường an toàn không bạo lực; tiếp cận giáo dục, việc làm, khởi nghiệp và các cơ hội phát triển khác.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường tuyên truyền giúp thanh niên dân tộc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp hiệu quả.
Tăng cường tuyên truyền giúp thanh niên dân tộc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp hiệu quả.

Em Phàn Thị Chéng ở bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ năm nay vừa bước sang tuổi 19. Qua sự hỗ trợ của chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Lai Châu”, em được tham gia học nghề miễn phí tại thành phố Lai Châu. Sau một thời gian học nghề, em đã quyết định mở quán kinh doanh các món chè và đồ ăn nhanh.

Thông qua hỗ trợ của chương trình, Chéng đã được hỗ trợ đồ dùng, dụng cụ để kinh doanh quán chè và đồ ăn nhanh như bếp ga, bàn ghế, quạt điện, kinh phí in ấn thực đơn, biển tên quán... Với những kiến thức được học, Chéng đã tự mình tìm địa điểm, trang trí quán chè của mình và thuyết phục gia đình ủng hộ quyết định khởi nghiệp kinh doanh của bản thân. Những ngày đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, song với mong muốn thay đổi, vươn lên trong cuộc sống, Chéng đang cố gắng từng ngày để kinh doanh và phát triển quán nhỏ của mình

Phàn Thị Chéng tâm sự, sau khi học nghề em nghĩ ngay đến việc mở quán. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, bố mẹ cũng không ủng hộ, nhưng sau khoảng 3 tháng mở quán em đã bắt đầu quen hơn với công việc, em cũng học hỏi cách kinh doanh và kết hợp ship đồ cho khách hàng gần, đồng thời cũng thay đổi cách thức trang trí quán phù hợp với giới trẻ và cách trình bày các sản phẩm đẹp mắt.

Trao cơ hội khởi nghiệp cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 2

Khởi nghiệp từ quán chè sau khi có được sự hỗ trợ từ chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Lai Châu”.

Nhờ vậy đến nay quán thu hút nhiều bạn trẻ đến thưởng thức và thu nhập cũng đang tăng lên. Nếu ổn định như hiện nay thì thu nhập trừ chi phí cũng được khoảng 15-20 triệu đồng/ tháng. Em rất mong rằng chương trình sẽ tiếp tục giúp các phụ nữ trẻ là người dân tộc thiểu số có thêm động lực để khởi nghiệp tự tạo việc làm và tăng thu nhập cho bản thân giống như em.

Trước đây, những người phụ nữ dân tộc thiểu số có tư tưởng cam chịu, lệ thuộc, không có ý chí độc lập, tự chủ vươn lên, quanh năm luôn làm lụng vất vả trên nương, lo nội trợ, chăm sóc gia đình. Tình trạng tảo hôn, mang thai trong độ tuổi vị thành niên, bỏ học… ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.

Để thay đổi những nếp nghĩ đó, từ sự hỗ trợ của tổ chức Plan International Việt Nam tại Lai Châu thông qua chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Lai Châu”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu đã có nhiều hoạt động thiết thực, khuyến khích chị em mạnh dạn tự tin tham gia phát triển kinh tế.

Trao cơ hội khởi nghiệp cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 3

Phụ nữ ở các địa phương được hưởng sự hỗ trợ của chương trình có sự thay đổi về tư duy nhận thức.

Chị Phàn Xá Mẻng ở bản Giao Chản, xã Bản Lang cho biết: Trước đây phụ nữ dân tộc mình chỉ biết làm nương, làm ruộng cuộc sống rất vất vả. Phần lớn chị em ngại thay đổi, kể cả thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi. Chị em chủ yếu làm để cung cấp chính cho gia đình, làm quy mô lớn để phát triển kinh tế thì gần như không có. Bây giờ phải thay đổi, nhiều chị em trong bản đã đi làm ở các tỉnh, thành phố phát triển, thậm chí đi xuất khẩu lao động cũng có nhiều, thu nhập cũng ổn định hơn.

Bản thân mình không đi làm xa, ở nhà tự kinh doanh online để phát triển kinh tế gia đình. Mình học hỏi và làm ăn ngay tại quê hương thì có nhiều thứ thuận lợi hơn. Cũng được vay vốn, được hướng dẫn cách phát triển các mô hình kinh tế. Việc kinh doanh phát triển giúp bà con bán các sản phẩm địa phương, đổi lại mình cung cấp nhiều mặt hàng khác cho bà con. Làm như vậy ngoài thu nhập cho gia đình mình cũng giúp bà con có đầu ra cho sản phẩm nông sản. Mình còn trẻ có lợi thế về việc tiếp cận công nghệ thông tin áp dụng vào thì hàng bán ra cũng được nhiều hơn, dễ hơn bà con tự mang đi chợ bán.

Trao cơ hội khởi nghiệp cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số ở Lai Châu ảnh 4

Thông qua chương trình giúp phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp từ những thế mạnh sẵn có của địa phương.

Mô hình kinh doanh của chị Phàn Thị Méng là cách làm hay, hiệu quả, có ý nghĩa giá trị hơn nhiều bài tuyên truyền để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hiểu rõ phụ nữ có thể làm chủ kinh tế vươn lên trong cuộc sống. Song song với hỗ trợ đào tạo nghề và các mô hình sinh kế; chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Lai Châu” còn tổ chức các hoạt động trong trường học, trong cộng đồng, tổ chức các sự kiện truyền thông, hỗ trợ hoạt động của các Câu lạc bộ để giúp chị em thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm… Từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Chị Vàng Thị Kiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho rằng, qua sự hỗ trợ của chương trình trên, chị em phụ nữ được tham gia học nghề, được hỗ trợ để khởi nghiệp, đây là hoạt động ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn. Việc chị em được tiếp cận, được hướng dẫn và thay đổi nhận thức trong phát triển các mô hình kinh tế là điều kiện tốt nhất để giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.

Chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Lai Châu” được triển khai thực hiện từ năm 2024-2026 tại 5 xã khó khăn thuộc huyện Phong Thổ là: Nậm Xe, Hoang Thèn, Bản Lang, Dào San và Khổng Lào hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế kinh tế và xã hội cho phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số để được học tập, phát triển, không còn phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào trong cuộc sống, trường học và tại cộng đồng.