Gỡ vướng trong thực hiện xóa nhà tạm ở Bắc Kạn

NDO - Thời gian qua, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo ở Bắc Kạn gặp khó khăn do các thủ tục về đất đai của các đối tượng chưa đầy đủ theo quy định. Bắc Kạn đã và đang có nhiều giải pháp để khắc phục triệt để vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông. (Ảnh: NGUYỄN HẢI)
Xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông. (Ảnh: NGUYỄN HẢI)

Mặc dù chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được quy định tại khoản 3, điều 16, Luật Đất đai nhưng việc thực hiện tại Bắc Kạn vẫn chưa đồng bộ.

Trong khi đó, theo quy định, để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở thì bắt buộc người dân phải có sổ đỏ. Điều này dẫn tới tình trạng, hiện trên địa bàn tỉnh có 144 hộ đã làm xong nhà nhưng không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Kạn Nông Thị Hiền cho biết, 144 hộ này chưa được nhận hỗ trợ là do đất làm nhà vướng vào quy hoạch, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Để tháo gỡ, tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể về việc đưa các diện tích đất này ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, có chính sách hỗ trợ chuyển đổi mục đích, sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, tại Bắc Kạn, còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở; có đất nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có kinh phí để chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tình trạng này phổ biến do người dân đã sinh sống lâu đời nhưng không quan tâm đến việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; làm nhà ở nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng nên không để ý tới việc chuyển mục đích sử dụng đất; không có kinh phí để chuyển đổi…

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Kạn Đỗ Thị Hiền cho biết, kế hoạch tỉnh đặt ra là đến hết năm 2025 sẽ xóa thêm 2.000 nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện có thì số nhà tạm, nhà dột nát có thể được xóa trong năm 2025 sẽ hơn 3.000 nhà. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao giải quyết được thủ tục về đất đai để người dân đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Gỡ vướng trong thực hiện xóa nhà tạm ở Bắc Kạn ảnh 1

Làm nhà cho hộ nghèo ở xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn. (Ảnh: NGUYỄN HẢI)

Khó khăn này đã được giải quyết, khi trong tháng 12/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn thông qua nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất ở thì được giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất.

Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao.

Việc ban hành chính sách này của Bắc Kạn đã đáp ứng được mong mỏi của rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, bảo đảm vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, có đất sản xuất để vươn lên trong cuộc sống.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn Đỗ Thị Hiền cho biết thêm, qua rà soát cho thấy, hiện số nhà cần hỗ trợ trên địa bàn chủ yếu là nhà gỗ đã sử dụng lâu năm nên xuống cấp. Sở tham mưu tỉnh thực hiện hỗ trợ tối thiểu 60 triệu đồng/nhà xây mới và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa, chương trình nào chưa đủ thì bù thêm từ nguồn lực của các chương trình khác.

Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu hỗ trợ người dân xóa 3.173 nhà tạm, nhà dột nát, tổng nguồn vốn thực hiện hơn 152 tỷ đồng.

Dự kiến tỉnh sẽ hỗ trợ nhà ở cho hơn 500 hộ là người có công, thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ về nhà ở, tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng. Hỗ trợ 500 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc dự án 5 (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), tổng kinh phí gần 18,3 tỷ đồng.

Tỉnh cũng hỗ trợ 884 nhà ở cho hộ nghèo thuộc dự án 1 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025), tổng kinh phí 38,9 tỷ đồng.

Tỉnh sẽ dùng hơn 62 tỷ đồng từ Quỹ “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo” để hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho 1.151 hộ làm nhà ở. Hỗ trợ 16 nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ nguồn xã hội hóa với kinh phí 950 triệu đồng.

Với nguồn vốn từ quỹ “Vì người nghèo”, địa phương này sẽ sử dụng 7,8 tỷ đồng để hỗ trợ làm 112 ngôi nhà ở đại đoàn kết. Riêng nguồn vốn này, các hộ sẽ được hỗ trợ theo 2 mức: Mức 80 triệu đồng/căn (80 nhà) và mức 50 triệu đồng/căn (32 nhà).

Thống kê cho thấy, từ năm 2021 tới nay, Bắc Kạn đã có 3.723 hộ được hỗ trợ làm nhà ở. Các hộ được hỗ trợ nhờ đó có nhà ở ổn định, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Nhà ở được xây dựng đều bảo đảm về diện tích và chất lượng, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương; có nhiều ngôi nhà có chất lượng tốt, khang trang.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất lớn lao, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh đã yêu cầu các ngành, địa phương đối với nhiệm vụ này “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; bám sát chủ trương của Trung ương, của tỉnh để thực hiện; có vướng mắc cần kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ. Trong quá trình thực hiện cần linh hoạt, tùy phong tục tập quán và điều kiện thực tế của từng hộ dân để tổ chức thực hiện cho phù hợp, hiệu quả.