Hạ tầng giao thông tốt đã tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, thông thương hàng hóa, từ đó, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, làm diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.
Những con đường từ sức dân
Về xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng đâu cũng thấy những con đường bê-tông nối dài đến tận thôn bản. Thôn Khum Khuông, cách xa trung tâm xã Nhân Lý đến hơn 5 km, nhưng giờ đây đã có đường bê-tông, xe ô-tô chở hàng đến tận bản. Người dân không còn phải đi bộ, mà còn mua xe máy chở nông sản hàng hóa ra các chợ huyện, tỉnh bán.
Anh Nông Văn Chăn, ở thôn Khum Khuông nhớ lại, trước đây muốn ra xã, phải đi bộ mất nửa ngày, giờ chỉ mất 15 phút đi xe máy. Con đường về thôn được như ngày hôm nay do huyện, xã đầu tư, người dân bỏ công sức, hiến đất làm đường. Chủ tịch UBND xã Nhân Lý, Nông Văn Nam hào hứng kể về việc vận động nhân dân những năm gần đây góp tiền mua vật liệu làm đường bê-tông nông thôn được hơn sáu tỷ đồng, hiến 3.500 m2 đất, tham gia 6.150 ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê-tông nông thôn... Kết quả đổ bê-tông được 6.885m đường, bảo đảm thuận tiện cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản. Một số gương điển hình trong hiến đất như hộ ông Phùng Văn Tý, thôn Khun Tiếm hiến
800 m2 làm nhà văn hóa thôn; ông Hoàng Văn Lằm, thôn Lạng Giai B hiến 600 m2 và hộ ông Nông Văn Tư hiến 300 m2 đất làm đường giao thông...
Tại xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng cũng thực hiện tốt phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm”. Từ năm 2020 đến nay toàn xã đã cứng hóa được gần 34/43 km đường, nhân dân đã đóng góp công sức, vật liệu, tiền của để làm đường, trị giá hơn 6,2 tỷ đồng. Ông Phạm Sao Mai, Phó Trưởng thôn Chãng, xã Quyết Thắng, phấn khởi cho biết: Thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, từ năm 2021 đến nay, thôn đã cứng hóa được 4,3/5,7 km đường gồm: 2,5 km đường ngõ xóm và 1,8 km đường trục thôn; 100% các hộ đều ủng hộ với số tiền đã đóng góp được gần 500 triệu đồng và 1.700 ngày công lao động để cứng hóa đường giao thông.
Các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình,... là những huyện đi đầu trong nhiều năm liền về phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn cả về số lượng và chất lượng. Điển hình như huyện Chi Lăng, thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, bình quân mỗi năm huyện huy động các nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn được hơn 35 tỷ đồng. Qua rà soát, hiện đã có 129/131 thôn có đường ô-tô đến trung tâm thôn được cứng hóa, tương đương 98,47% và 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được cứng hóa.
Nghị quyết hợp lòng dân
Sau gần bốn năm thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, mạng lưới giao thông nông thôn của tỉnh tiếp tục được củng cố, tăng cường, đáp ứng được lòng mong mỏi và nhu cầu đi lại giao thương hàng hóa phát triển kinh tế của nhân dân. Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh xác định mục tiêu toàn tỉnh cứng hóa 1.750 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, cứng hóa 425 km đường trục xã; 575 km đường trục thôn; 675 km đường ngõ xóm và 75 km đường nội đồng; nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đến hết năm 2025 lên 60,9%, tương ứng với 6.705/11.011 km.
Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Tài cho biết: Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã đưa chương trình phát triển giao thông nông thôn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2024, UBND tỉnh đã bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh 254,2 tỷ đồng và các huyện đã bố trí khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách huyện để hỗ trợ các xã thực hiện đề án. Ngoài ra, các huyện cũng huy động vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép với nguồn vốn đề án để cứng hóa các tuyến đường trục xã, trục thôn với tổng kinh phí đã thực hiện khoảng gần 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đối ứng của người dân bằng tiền và ngày công, hiến đất từ năm 2021 đến nay là rất đáng ghi nhận. Cụ thể từ năm 2021 đến nay, người dân đã đóng góp khoảng 130 tỷ đồng và hơn 150.000 ngày công lao động để làm đường. Nhờ đó, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đến thời điểm này đạt 96% và đường trục thôn đến trung tâm thôn đạt 86%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra của cả giai đoạn.
Ông Hoàng Viết Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Phong trào cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tiếp tục phát triển cả về chất và lượng. UBND các huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xi-măng, kỹ thuật, hướng dẫn các thôn thực hiện cứng hóa các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm”. Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, trong bốn chỉ tiêu đề án đặt ra về cứng hóa đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm và đường nội đồng, đã có hai chỉ tiêu thực hiện đạt kế hoạch là đường trục xã và trục thôn; hai tiêu chí gần đạt kế hoạch là đường ngõ xóm và đường nội đồng. Theo đó, toàn tỉnh đã cứng hóa được 1.536 km đường giao thông nông thôn các loại, tương đương đạt hơn 87% kế hoạch cả giai đoạn ■