Thúc đẩy khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi

NDO - Ngày 14/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị khoa học công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025).
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị khoa học công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước.
Hội nghị khoa học công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước.

Biến đổi khí hậu, khai thác nguồn nước thượng nguồn và phát triển kinh tế nội tại, thiên tai, ô nhiễm môi trường nước ngày càng trầm trọng, khó lường trên khắp cả nước. Đây là những thách thức rất lớn đối với khoa học công nghệ thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Dự kiến đến cuối năm 2024, sản lượng lúa nước ta sẽ đạt 43 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch dự báo vượt 5 tỷ USD.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp

Do đó, lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai cần có những công nghệ mới, hiện đại, cùng với chuyển đổi số, xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ cho ngành, làm cơ sở nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và hỗ trợ ra quyết định trong phòng, chống thiên tai, an toàn đập và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam Trần Đình Hòa cho biết: “Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước có công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn ứng dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng giúp cung cấp số liệu dự báo chính xác để điều hành sản xuất đạt hiệu quả cao; xây dựng được các kịch bản, giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với diễn biến nguồn nước, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước liên vùng, liên lưu vực sông khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ…”.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Dự kiến đến cuối năm 2024, sản lượng lúa nước ta sẽ đạt 43 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch dự báo vượt 5 tỷ USD. Thành tựu này là kết quả của sự phát triển toàn diện hệ thống thủy lợi trên cả nước. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới công trình thủy lợi đa dạng, bao gồm hàng chục nghìn hồ chứa, trạm bơm, đập dâng và cống đầu mối, cùng hệ thống kênh mương, đê điều trải dài hàng trăm nghìn km”.

Hệ thống thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đáp ứng đa dạng nhu cầu như: Cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, đô thị, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hỗ trợ giao thông thủy, phát điện, du lịch.

Để thúc đẩy khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi, thời gian tới cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn là những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện…