Đây là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các sáng kiến mới nhằm đưa ra các hàm ý chính sách về phản ứng trong chính sách tài chính công giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững trên toàn cầu.
Ứng phó biến đổi khí hậu: Lộ trình chông gai
Việc thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu không chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong công nghệ, quản lý môi trường mà còn cần có sự điều chỉnh trong chính sách tài chính công để có thể huy động nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
“Không chỉ là công cụ huy động và phân bổ nguồn lực, chính sách công còn là nhân tố quan trọng để điều tiết và hỗ trợ các hoạt động kinh tế hướng đến phát triển bền vững”, Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới. Chính phủ các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy các chương trình hành động giúp các quốc gia, vùng lãnh thổ ứng phó với sự thay đổi khó lường của biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó.
Xuyên suốt các chương trình hành động này, yêu cầu nguồn lực để bảo đảm các chính sách được thực thi hiệu quả là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã chính thức thực thi chính sách tài khóa thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng vẫn còn nhiều quốc gia chưa thật sự quan tâm vấn đề này vì nhiều lý do khác nhau.
Đối với các quốc gia thực thi chính sách tài khóa thích ứng biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều khó khăn trong các khâu dự báo, phân bổ nguồn lực, lựa chọn ưu tiên chính sách công…
Ngoài ra, để thực thi chính sách tài khóa thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả đôi khi phải được yêu cầu thay đổi quy trình ngân sách, vai trò các bên có liên quan và năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan chuyên môn.
Chính sách này đòi hỏi phải có sự ủng hộ từ cộng đồng để gia tăng tối đa nguồn lực, thay đổi nhận thức cộng đồng để góp phần giảm nhẹ hệ lụy cho môi trường từ hoạt động hàng ngày.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các chính sách này không phải dễ thực hiện trong ngắn hạn và cũng không chỉ thuộc trách nhiệm riêng của các chính phủ mà đòi hỏi phải xây dựng các kế hoạch, chiến lược rất thận trọng và bền vững từ những đóng góp của cộng đồng.
Các đại biểu tham gia hội thảo. |
Theo Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới, đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của Germanwatch (CRI).
Một trong những khó khăn trong ứng phó với biến đổi khí hậu là Việt Nam đang đối mặt với thách thức từ việc huy động để bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050.
Trong khi, Việt Nam hiện chưa có chiến lược toàn diện để phối hợp và tối ưu hóa các nguồn vốn có thể huy động, đặc biệt ở cấp địa phương, nguồn tài chính vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.
Hội thảo RTD 2024, tìm hướng thúc đẩy hành động bền vững
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao để bảo đảm thực thi cam kết Net Zero; việc phát triển thị trường tài chính xanh vẫn còn nhiều khó khăn do các bên tham gia thị trường còn hạn chế…
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam cần thêm khoảng 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP) trong giai đoạn 2022-2040.
World Bank cũng đưa ra dự báo, tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu có thể chiếm 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, đặt gánh nặng lớn lên cả tài chính công và tư.
Các chuyên gia cho rằng, để ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, Việt Nam cần vận dụng phát triển mô hình mới dựa trên hai lộ trình.
Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu, tập trung vào các lĩnh vực, vào vùng dễ bị tổn thương nhất của đất nước.
Thứ hai, giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, giao thông và công nghiệp chế biến, chế tạo.