Bình Thuận chuyển đổi số để phát triển kinh tế

Tỉnh Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa 15) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, kế hoạch chuyển đổi số đã góp phần phát triển kinh tế của tỉnh như thế nào, phóng viên có cuộc trao đổi ông Võ Thành Công, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận.

Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết 10, tỉnh Bình Thuận đã đạt được kết quả nổi bật gì, nhất là trong xây dựng Chính quyền số?

Bình Thuận chuyển đổi số để phát triển kinh tế ảnh 1

Ông Võ Thành Công, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận

Ông Võ Thành Công: Tính đến tháng 10/2024, có 7/14 chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt; 6/14 chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện; trong đó có một chỉ tiêu chưa hiện nay chưa được bộ, ngành hướng dẫn phương pháp đánh giá, có 3 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt được trong năm 2025 và có 2 chỉ tiêu khả năng khó thực hiện đạt đến mốc thời gian năm 2025 là tỷ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 70% và kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Đối với phát triển chính quyền số, có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội của tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Bình Thuận chuyển đổi số để phát triển kinh tế ảnh 2

Trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố Phan Thiết

Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được xây dựng, phát triển hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường số.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh đã kết nối, tích hợp, khai thác hiệu quả dữ liệu của các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, bộ, ngành Trung ương; phát triển kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời phát triển dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để phục vụ tái sử dụng trong giải quyết TTHC nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức.

Phóng viên: Phát triển xã hội số, nâng cao đời sống của người dân?

Ông Võ Thành Công: Triển khai phát triển dữ liệu công dân số được đẩy mạnh, đến nay đạt được một số kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển xã hội số.

Bình Thuận chuyển đổi số để phát triển kinh tế ảnh 3

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Bình Thuận

Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 1.279.329 hồ sơ căn cước công dân; trong đó, đã thu nhận hồ sơ cấp lần đầu cho 1.187.273 nhân khẩu thường trú đủ điều kiện. Đến hết Quý III năm 2024 đã thu nhận 842.484 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 676.367 tài khoản và cấp 183.423 mã định danh cá nhân cho trẻ em, tỷ lệ dân số có danh tính số đạt 81,42%.

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 95,2% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 73,5%.

Số liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo, định danh cho bệnh nhân nội tỉnh và ngoại tỉnh là 1.386.892 hồ sơ. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 92 % tổng dân số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80,31%.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện kiện toàn thành viên của 697 tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương với 3.418 thành viên. Công tác tập huấn, bồi dưỡng thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được quan tâm đẩy mạnh; thường xuyên cung cấp các tài liệu tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số phổ biến đến các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng qua nền tảng mạng xã hội Zalo; thành lập fanpage công nghệ số cộng đồng Bình Thuận để tuyên truyền về hoạt động chuyển đổi số, phổ biến kỹ năng số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân.

Ứng dụng Công dân số Bình Thuận đã được triển khai sử dụng trên phạm vi toàn tỉnh kể từ ngày 19/4/2024, cung cấp thông tin đa dạng cho người dân; đồng thời, tạo kênh tương tác của người dân với chính quyền qua môi trường số.

Phóng viên: Qua đó, lĩnh vực nào ưu tiên và đạt được các kết quả nổi bật?

Ông Võ Thành Công: Lĩnh vực du lịch: Xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận với tên miền “muinevietnam.vn” và ứng dụng di động trên 2 nền tảng Android và iOS với tên “Binh Thuan Tourism”; tích hợp các cơ sở dữ liệu ngành du lịch và bản đồ số về du lịch Bình Thuận, tạo thuận lợi, hỗ trợ du khách chủ động trong việc lên lịch trình, tìm kiếm những địa điểm lưu trú, ẩm thực; phát triển các ứng dụng dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR360), sử dụng QR Code để giới thiệu các điểm tham quan đặc trưng của tỉnh; số hóa Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, Dinh Thầy Thím, Thắng cảnh Bàu Trắng để đưa vào phục vụ nhân dân và du khách.

Bình Thuận chuyển đổi số để phát triển kinh tế ảnh 5

Đoàn thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Đối với lĩnh vực hành chính công: hạ tầng thiết bị, nền tảng số đã được nâng cấp, đầu tư, triển khai thống nhất, đồng bộ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh triển khai đồng bộ cả ba cấp xã, huyện, tỉnh; CSDL về TTHC của tỉnh được phát triển hoàn thiện và đồng bộ với CSDL quốc gia về TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác. CSDL về giải quyết hồ sơ TTHC, kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân được hình thành, phát triển.

Phóng viên: Định hướng sắp đến để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số là gì?

Ông Võ Thành Công: Phát triển hạ tầng số đồng bộ, toàn diện và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại, có dung lượng truyền dẫn cao tại các Khu du lịch quốc gia, Khu du lịch trọng điểm của tỉnh và các đô thị đông dân cư, Trung tâm thương mại, Cụm công nghiệp/Khu công nghiệp hướng đến mục tiêu kết nối vạn vật (IoT-Internet of Things) tạo nền tảng, điều kiện kiện thuận lợi để phát triển các Khu du lịch, Khu đô thị,…hiện đại thông minh theo xu thế phát triển chung của quốc gia và toàn cầu.

Bình Thuận chuyển đổi số để phát triển kinh tế ảnh 6

Nhiều đơn vị tham gia Ngày hội "Chuyển đổi số"

Ưu tiên phát triển hoàn thiện các dữ liệu số đối với các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Kho dữ liệu tập trung của tỉnh là nguồn dữ liệu chính để cung cấp cho Trung tâm điều hành thông minh; hỗ trợ ra quyết định dựa vào dữ liệu; từ Kho dữ liệu tập trung của tỉnh xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh để cung cấp dữ liệu cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng hiệu quả các lĩnh vực công nghệ số quan trọng (AI- trí tuệ nhân tạo, IoT-internet vạn vật, Bigdata-dữ liệu lớn, Cloud Computing-điện toán đám mây, Blockchain-chuỗi khối) vào các nền tảng số phục vụ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

Thu hút, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đầu tư trung tâm dữ liệu (Data Center), khu công nghệ thông tin tập trung tại tỉnh, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao tỉ lệ kinh tế số trong GRDP của tỉnh.

Xin cám ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

back to top