Xuất khẩu gạo kỳ vọng vượt mục tiêu 5 tỷ USD

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cuối tháng 9 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (phi basmati), kèm theo điều kiện giá sàn xuất khẩu là 490 USD/tấn. Quyết định này sẽ có tác động lên thị trường gạo thế giới nói chung và thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng thời gian tới.
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân (Tháp Mười Đồng Tháp). (Ảnh HỮU NGHĨA)
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân (Tháp Mười Đồng Tháp). (Ảnh HỮU NGHĨA)

Trước đó, ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường do lo ngại thiếu hụt nguồn cung gạo cùng với việc giá lương thực nội địa tăng cao.

Biến động thị trường

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 557 USD/tấn, cao hơn gạo của Thái Lan 17 USD/tấn và cao hơn gạo của Pakistan 40 USD/tấn. Ngay sau khi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, Ấn Độ tham gia trở lại vào việc xuất khẩu gạo 5% tấm với mức giá 491 USD/tấn. Việc Ấn Độ trở lại đường đua này xuất phát từ nguồn dự trữ và nguồn cung gạo trong nước đã tăng lên.

VFA cho biết, tính đến ngày 23/9/2024, diện tích trồng lúa vụ Kharif (tháng 6 đến tháng 9) niên vụ 2023-2024 của Ấn Độ đã đạt 41,35 triệu ha, tăng khoảng 2,97% so với ước tính 40,155 triệu ha trong năm 2023. Tổng diện tích vụ Kharif đạt 110,046 triệu ha, tăng nhẹ khoảng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo ước tính của Chính phủ Ấn Độ về sản lượng ngũ cốc lương thực cho niên vụ từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, ước tính tổng sản lượng gạo xay xát đạt mức kỷ lục 137,83 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với mức ước tính 135,76 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023.

Quyết định mới của Ấn Độ sẽ có tác động đáng kể tới thị trường gạo toàn cầu vì đây là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, chiếm hơn 40% tổng sản lượng gạo xuất khẩu thế giới. Chính vì vậy, khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati vào tháng 7/2023 đã khiến giá gạo trên toàn thế giới tăng mạnh. Khi đó, các quốc gia nhập khẩu đã tìm đến nguồn cung gạo của Việt Nam, Thái Lan… nhiều hơn. Điều này kéo theo việc giá gạo Việt Nam luôn ở mức cao, nhiều thời điểm đạt mức cao nhất thế giới, vượt 650 USD/tấn.

Theo ông Phạm Thái Bình- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ tạo ra biến động trên thị trường gạo thế giới nhưng Việt Nam không chịu tác động lớn bởi việc ban hành hay gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ phần nhiều là do quốc gia này cân nhắc các điều kiện về sản lượng mùa vụ và an ninh lương thực trong nước (vì dân số của Ấn Độ rất lớn, khoảng 1,4 tỷ dân). Mặt khác, cơ cấu gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng khác so với Việt Nam cho nên phân khúc thị trường cũng khác nhau. Nhiều thị trường hiện nay thường xuyên sử dụng gạo Việt Nam cũng sẽ không chịu tác động khi gạo trắng thường của Ấn Độ xuất hiện trở lại.

Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng

Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2024 sẽ vượt mức 5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được bởi đến thời điểm hiện nay, các thông số về xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn khá đều đặn.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, tỉnh Long An cho biết: Hiện nay lượng lúa hè thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch và cơ bản được thu mua hết, các địa phương đang xuống giống vụ thu đông cho nên giá thu mua lúa của nông dân không bị ảnh hưởng từ việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Với doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều hợp đồng từ nay đến cuối năm cũng đã được ký kết với khách hàng với mức giá ấn định, không có sự trồi sụt liên quan đến biến động trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia vẫn rất cao, là điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện nay gạo Việt Nam vẫn đang thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía nam Philippines do ngon cơm và giá cả phù hợp. Trong khi đó, Indonesia vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam và từ nay đến cuối năm, sản lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia này sẽ còn tăng do chính phủ nước này quyết định nhập khẩu gạo với số lượng lớn để đối phó với tình trạng sản lượng gạo trong nước thấp hơn trong bối cảnh hạn hán do El Nino gây ra.

Các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như Jasmine, ST24, ST25 được ưa chuộng tại nhiều nước cũng giúp gạo Việt Nam có vị thế riêng trên thị trường quốc tế, thay vì phải cạnh tranh trực tiếp về giá với gạo của Ấn Độ hay Thái Lan.

Còn về nguồn cung gạo trong nước hiện vẫn ở mức ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tính đến cuối tháng 9/2024, theo số liệu của Cục Trồng trọt, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vụ hè thu 2024 đã thu hoạch được 1,362 triệu ha với năng suất gần 6 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 8,1 triệu tấn lúa; vụ thu đông 2024 xuống giống được 675.000 ha/700.000 ha diện tích kế hoạch, đã bắt đầu thu hoạch được 88.000 ha.

Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường lúa gạo toàn cầu thay đổi nhanh chóng, nhất là khi các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ điều chỉnh chính sách thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin để có góc nhìn toàn cảnh và linh hoạt điều chỉnh hoạt động thu mua xuất khẩu gạo, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người trồng lúa, doanh nghiệp xuất khẩu và góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo của quốc gia.