Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam, mực nước hồ Dầu Tiếng ngày 7/10/2024 ở cao trình Z=22,83m, thấp hơn 1,22m so với cùng kỳ, thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ là 1,17m; tổng lượng mưa tính từ đầu năm đến nay khoảng 1.498 mm, cao hơn 203 mm so với cùng kỳ. Ðể bảo đảm chủ động ứng phó mọi tình huống thiên tai, sự cố công trình, công ty đã chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng chống, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Trong đó, công ty đã kiện toàn lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn gồm 133 người, bảo đảm nhân lực thường trực, chuẩn bị các vật tư, thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai tại chỗ, ứng cứu "giờ vàng" khi công trình có sự cố; thực hiện quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, quan trắc lượng mưa, dự báo lũ đến hồ theo quy định và trong trường hợp có mưa, bão áp thấp nhiệt đới xuất hiện; thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng, địa phương trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; công tác nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Ngoài ra, công ty thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương trong vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ; thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi hồ xả lũ; tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ chỉ đạo, vận hành công trình; hoàn chỉnh các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp; thường xuyên kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ hằng năm và năm 2024; bảo đảm an toàn vùng hạ du hồ Dầu Tiếng tại các tỉnh Ðông Nam Bộ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, chính quyền các cấp đã chủ động ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai năm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra, đầu tư, nạo vét, sửa chữa công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước trước mùa mưa, bão.
Ðặc biệt thực hiện chặt chẽ phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); thành lập bốn đội cấp cứu, bảo đảm thông tin liên lạc, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu và bảo đảm cung cấp điện liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai; duy trì nghiêm lực lượng trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khắc phục hậu quả thiên tai theo phương án được duyệt.
Theo đồng chí Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Tây Ninh, công tác phòng, chống thiên tai của các đơn vị trên địa bàn tỉnh tương đối tốt; từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở đã có kế hoạch, phương án phòng, chống, xử lý thiên tai, lũ lụt theo đúng phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng".
Nhận định thời gian tới, tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến bất thường và khó lường, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các cấp theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự năm 2023. Chủ động kiểm tra các khu vực xung yếu, rà soát, điều chỉnh kịp thời các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Ðánh giá mức độ an toàn của các công trình thủy lợi, nhất là hồ chứa nước Dầu Tiếng và các hồ thủy lợi khác; quản lý cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hồ thủy lợi, hồ chứa, hệ thống kênh thoát nước. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo kế hoạch, phương án đã được duyệt để sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông giúp nhân dân, cộng đồng dân cư trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt được trang bị kỹ năng, kiến thức phòng ngừa, ứng phó các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh; tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, huy động người dân tham gia cứu hộ, cứu nạn nếu có tình huống xảy ra.
Các đơn vị chức năng phải phân công trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các diễn biến của khí tượng thủy văn; tham mưu chỉ đạo ứng phó kịp thời các tình huống nguy cơ thiên tai có thể xảy ra; thông báo đến các địa phương, vùng nguy cơ ảnh hưởng có phương án kịp thời ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
"Yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan trong quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị để bảo đảm chặt chẽ sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ trong công tác phối hợp, tham mưu cho ủy ban nhân dân các tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến nhấn mạnh!