Riêng mùa khô năm 2023-2024, ở khu vực này hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hàng nghìn héc-ta cây trồng và hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Công, có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do nguồn nước phong phú và được điều tiết tự nhiên bởi Biển Hồ (Campuchia), tài nguyên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, thủy sản dồi dào, đa dạng...
Qua thống kê, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần ba triệu héc-ta, đây là vùng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp bao gồm: Trồng trọt và nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, ngọt.
So với cả nước, diện tích Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 12% nhưng sản xuất lúa chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo của vùng chiếm tới 90% sản lượng và thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước...
Nhưng khu vực này cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế do mặn xâm nhập với diện tích khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu héc-ta ở vùng ven biển, ứng với độ mặn 4 g/l (vào mùa kiệt); thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông, gần biển; xói lở bờ sông, biển, sụt lún bờ kênh, rạch xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng…
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng.
Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65% khiến diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn tăng theo. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước cũng khó khăn, dẫn đến tăng diện tích ngập do lũ, do triều và kéo dài thời gian ngập.
Đến năm 2024, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đã xây dựng 128 hồ trên dòng chính và dòng nhánh với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ mét khối; dự kiến tăng lên 90 đến 95 tỷ mét khối vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ mét khối khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn năm 2040-2060.
Các công trình này sẽ tác động đến dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong cả mùa lũ và mùa kiệt, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm, thay vào đó là lũ nhỏ, thậm chí mất lũ tăng lên…, do đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn. Hơn nữa, sự sụt giảm khoảng 70 đến 75% hàm lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long (do các hồ chứa thượng nguồn giữ lại) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng bờ sông, biển.
Theo tính toán, đến năm 2050, khi toàn bộ các dự án thủy điện mà các quốc gia thượng nguồn đã quy hoạch triển khai hết thì lượng phù sa về khu vực này chỉ còn 5% so với thời điểm cao nhất. Mặt khác, do diện tích trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản tăng cũng làm gia tăng nhu cầu nước tưới.
Việc gia tăng nhu cầu dùng nước dẫn đến áp lực tăng yêu cầu phục vụ của các công trình thủy lợi, và khi công trình thủy lợi không đáp ứng đủ dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức và hệ lụy là tình trạng hạ thấp mực nước ngầm, lún sụt đất nền.
Từ nhiều năm qua, để điều hòa nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng, việc bảo đảm an ninh nguồn nước đang chịu nhiều áp lực, nhất là công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong cho biết: “Mùa khô năm 2023-2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 33 ngày. Từ tháng 4 đến nay, diễn biến xâm nhập mặn vùng ven biển Tây biến động khó lường; có thời điểm độ mặn tại một số nơi đã tăng cao đột biến, nhất là trong các ngày từ 18 đến 22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) lớn hơn 3 đến 4 g/l, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/l, ảnh hưởng việc lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nguồn nước thượng lưu đổ về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 ở mức thấp cho nên nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu hạn chế, nắng nóng kéo dài, lượng bốc hơi cao, các địa phương đồng loạt xuống giống vụ hè thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh”.
Về xu thế dài hạn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn cao khả năng gia tăng cả về cường độ và số lần xuất hiện, nhất là trong thời gian ảnh hưởng của El Nino thì xâm nhập mặn xuất hiện ở mức nặng đến nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước theo quy hoạch, cùng với yếu tố nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông... xâm nhập mặn có xu thế xuất hiện gay gắt, quy luật bất thường hơn, mức độ xâm nhập phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 7 km; các đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020 xuất hiện thường xuyên hơn và không loại trừ còn có mức độ ảnh hưởng cao hơn.
Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra đối với dân sinh và sản xuất nông nghiệp, theo Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong: “Các địa phương cần chuẩn bị sớm các kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra và giải pháp ứng phó phù hợp; phân chia các tiểu vùng có nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trên cơ sở mức độ kiểm soát nguồn nước của hạ tầng thủy lợi để quản lý và khai thác một cách khoa học và hợp lý, bố trí cơ cấu mùa vụ theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành các hệ thống thủy lợi; tổ chức xây dựng quy trình vận hành liên hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường kết nối nguồn nước, nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi”.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương cần điều chỉnh thời vụ, xuống giống sớm lúa đông xuân ở các tỉnh ven biển; tăng cường trữ nước ở vùng canh tác cây ăn quả; rà soát đánh giá tổng thể năng lực cấp nước của các công trình cấp nước tập trung; xác định cụ thể giải pháp cấp nước cho từng huyện, xã, thôn, ấp, cụm dân cư khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai, thực hiện các giải pháp cấp nước phù hợp.
Đối với các công trình còn dư công suất ở các địa phương như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang thực hiện mở rộng, kéo dài tuyến ống; công trình hạn chế nguồn cần tìm kiếm nguồn bổ sung hoặc liên thông giữa các công trình trong cùng khu vực.
Mặt khác, cần gắn phát triển các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với phát triển hệ thống công trình thủy lợi. Từ đó khai thác tối đa khả năng cấp ngọt của các công trình thủy lợi để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; kết hợp hài hòa giữa nâng cấp, mở rộng, kết nối liên thông công trình với hỗ trợ, tăng cường khả năng trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm ở hộ gia đình...
Theo Cục Thủy lợi, đến cuối tháng 4, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.581 ha lúa ở Sóc Trăng và Bến Tre, 4.642 ha cây ăn quả có nguy cơ giảm năng suất; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh là: Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.