Thừa Thiên Huế sẵn sàng sơ tán gần 100 nghìn dân để tránh bão Noru

NDO - Chiều 25/9, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhằm ứng phó với cơn bão số 4 (tên quốc tế Noru).
0:00 / 0:00
0:00
Chuyến cập bờ cuối cùng của ngư dân Thuận An (thành phố Huế) trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
Chuyến cập bờ cuối cùng của ngư dân Thuận An (thành phố Huế) trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão Noru, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai khẩn cấp và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26/9.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Theo đó, dự kiến di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt khoảng 26.255 hộ/99424 khẩu; di dời để đối phó với bão 23.762hộ/84.930 khẩu; di dời để đối phó với lũ lụt 17.712 hộ/65.231 khẩu và di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất 7.087 hộ/ 26.528 khẩu.

Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã lưu ý, các địa phương ưu tiên triển khai sơ tán những đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Thừa Thiên Huế sẵn sàng sơ tán gần 100 nghìn dân để tránh bão Noru ảnh 1

Các lực lượng chức năng xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) về cơ sở giúp dân giằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn trước mưa bão.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hùng cho biết, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Đến chiều 25/9, toàn tỉnh còn 6 phương tiện/52 lao động hoạt động thủy sản trên biển, chậm nhất sáng 26/9 sẽ đưa vào bờ tránh trú an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bố trí phương tiện và lực lượng tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền và thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25/9. Đối với các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.

Tại Cảng cá Thuận An, nhiều phương tiện đánh cá đang chạy "nước rút" trước khi bão vào đất liền. Các tàu cá tranh thủ thời gian cập cảng bốc dỡ hàng hóa, bán sản phẩm khai thác trước khi đưa thuyền đi tránh trú an toàn ở các cảng, âu thuyền trong huyện Phú Vang và thành phố Huế.

Các cảng cá Thuận An, cảng cá Tư Hiền và các khu neo đậu tàu thuyền ở Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên đủ phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Các địa phương đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án bảo đảm an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.

Thừa Thiên Huế sẵn sàng sơ tán gần 100 nghìn dân để tránh bão Noru ảnh 2

Tàu thuyền tại Thừa Thiên Huế được kêu gọi về nơi trú tránh bão an toàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Quý Phương cho biết, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện nay, mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành bảo đảm an toàn…

“Đến nay, thu hoạch lúa cơ bản xong. Đối với tình hình nuôi trồng thủy sản còn còn khoảng 3.200ha nuôi ao và 3.519 lồng bè nuôi trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch. Tỉnh cũng có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Chúng tôi cũng rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn…”, ông Phương nhấn mạnh.

Tại cuộc họp nhanh với các sở, ngành, địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã lưu ý, từ ngày 26/9, tất cả các cuộc họp không cần thiết sẽ tạm hoãn, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần soát xét lại kịch bản di dân, chốt thời gian di dân nhưng phải tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là tại các vùng xung yếu, nguy cơ cao.

Đồng chí Lê Trường Lưu đề nghị, các địa phương cũng cần chỉ đạo người dân chủ động giằng chống nhà cửa theo từng khu vực, từng cấp độ; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản đang còn lớn nên phải tính toán phương án bảo đảm an toàn và môi trường nước; thường xuyên cập nhật, cảnh báo tình hình bão đến người dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.