Thọ Xuân - vùng quê địa linh, nhân kiệt

Nằm ở trung tâm châu thổ sông Chu, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Mảnh đất này là nơi sinh thành, dưỡng dục nên Lê Hoàn, Lê Lợi - hai vị vua của vương triều Tiền Lê, Hậu Lê có vị trí, vai trò quan trọng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội truyền thống Lam Kinh.
Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội truyền thống Lam Kinh.

Huyện Thọ Xuân hiện có sáu di dích quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh, gắn liền với 24 lễ hội, lễ tục truyền thống còn được bảo lưu, tái hiện trong đời sống cộng đồng.

Đặc biệt, trò diễn Xuân Phả và lễ hội Đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia. Tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân còn ngôi đền thờ Lê Hoàn với kiến trúc hình chữ Công cổ kính, điêu khắc độc đáo có giá trị lịch sử. Trong đền, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như 14 sắc phong, trống đồng, đỉnh đồng...

Đây là công trình kiến trúc thời Lê hiếm hoi còn lại tại Thanh Hóa, được các nhà khoa học nghiên cứu, tiếp thu, góp phần phục vụ phục dựng lại chính điện Lam Kinh. Cách đền thờ Lê Hoàn hơn 10km về phía tây là khu di tích Lam kinh, nơi an táng, thờ tự các vua, hoàng hậu vương triều Hậu Lê.

Tại Khu di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh hiện có năm bảo vật quốc gia là các bia ký hình chữ nhật được chế tác bằng đá trầm tích nguyên khối được đặt trên lưng rùa... Tiêu biểu là bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá trầm tích nguyên khối...

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Lập Lê Đình Hải: Xuân Lập có xứ đồng vẫn gọi là ruộng binh và tưởng nhớ vị vua cùng tướng lĩnh thường xuất quân “phá Tống, bình Chiêm” sau Tết cổ truyền mới về.

Hiện, các làng vẫn giữ tục ăn Tết lại vào mồng 7 và mồng 9 tháng Giêng hằng năm. Xuân Lập được công nhận xã văn hóa nông thôn mới và nhân dân địa phương còn nấu bánh chưng nung trong chum sành, chuyên canh giống lúa thuần 13/2 làm bánh răng bừa, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, chơi tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, bắt lợn…

Giữ gìn di sản ông cha trao truyền, nhiều năm qua, ông Bùi Xuân Hùng và 15 nghệ nhân ở xã Xuân Trường tình nguyện thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ bảo tồn, phát triển trò diễn Xuân Phả. Bận rộn, tất tả với cuộc sống mưu sinh nhưng các nghệ nhân vẫn dành thời gian chế tác con trò, sưu tầm dữ liệu, duy trì tập luyện, hướng dẫn nhau trau dồi, hoàn thiện trò diễn Xuân Phả.

Câu lạc bộ từng tham gia các sự kiện văn hóa lớn như Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Festival Huế, biểu diễn, quảng bá trò diễn Xuân Phả tại lễ hội Thành Tuyên... Diễn trò Xuân Phả không thể thiếu tại lễ hội truyền thống đền thờ Lê Hoàn, Lam Kinh được tổ chức hằng năm, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Tiếp tục nghiên cứu về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương địa linh, nhân kiệt, huyện Thọ Xuân cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã tiến hành khai quật khảo cổ tại bảy điểm, phát lộ 294m2 để xác định hành điện Vạn Lại, đàn Nam Giao, đền Phỗng, kho và lũy Yên Trường...

Năm 2022, huyện Thọ Xuân đón hơn 600 nghìn lượt khách du lịch tới tham quan. Các hạng mục công trình như: Nhà tả, hữu vu, bốn tòa thái miếu ở Lam Kinh tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện. Cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, các làng nghề truyền thống, địa phương kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm các di tích, di sản trên mảnh đất này.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải, cho biết: Quán triệt văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển, nhiều năm qua huyện Thọ Xuân luôn quan tâm bảo vệ, bảo tồn các di tích, di sản, phục dựng lễ hội, hỗ trợ bảo lưu, truyền dạy di sản văn hóa truyền thống.

Giai đoạn 2022-2025, huyện đã xây dựng, ban hành đề án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch.

Theo đó, một số di tích trọng điểm được bảo vệ, chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo, lễ hội truyền thống tổ chức thường niên, thu hút đông đảo khách thập phương, nhất là các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ, tham gia, sáng tạo văn hóa. Ngoài tái hiện nghi lễ truyền thống, phần hội được tổ chức kéo dài bởi nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao dân tộc, hiện đại, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng cùng các đặc sản địa phương.