Thiết lập chế độ bảo vệ trẻ trước bạo lực học đường

NDO - Bạo lực học đường là vấn đề toàn cầu, diễn ra ở trường, chung quanh trường học, trên đường tới trường và trên mạng. Bởi vậy, nếu cha mẹ sát sao với con, rất dễ nhận ra những bất thường ở con mình sau mỗi ngày tới trường.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học ngoại khóa tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường tại Trường tiểu học Phan Bội Châu, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: HOÀI THU)
Giờ học ngoại khóa tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường tại Trường tiểu học Phan Bội Châu, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: HOÀI THU)

NHẬN DIỆN TRẺ BỊ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay, để nhận diện con mình có bị rơi vào bạo lực học đường hay không, cha mẹ cần phải lưu ý rất nhiều dấu hiệu như áo quần, sách vở, đồ dùng của trẻ có bị rách, mất hay hủy hoại khi đi học về; trẻ có những vết cắt, cào, bầm không giải thích được; có ít bạn bè chơi đùa.

Có những trẻ bày tỏ sự sợ hãi khi phải đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, hay tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè. Trẻ có thể không còn hứng thú làm bài hay thình lình học sút hẳn, lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm khi từ trường về.

Về mặt sức khỏe, trẻ có thể thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do; khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin.

Khi phát hiện ra những triệu chứng này, cha mẹ cần phải bảo đảm con mình được để mắt tới và bảo đảm an toàn cho con. Nên lắng nghe và chia sẻ, hỏi rõ điều gì đã xảy ra với con và xảy ra khi nào, ở đâu, có bao nhiêu người là nạn nhân giống con.

Cha mẹ cần phải tỉnh táo, dự báo những nguy cơ có thể tiếp diễn, những hành vi leo thang có thể xảy ra. Đồng thời, cần nhanh chóng liên lạc thông tin với cô chủ nhiệm và nhà trường để cùng phối hợp giám sát.

Nếu trẻ có những biểu hiện trầm trọng, cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia cho cả con mình và nhóm bắt nạt. Mục tiêu là phải giáo dục sự thấu cảm, đi đến cam kết không tái phạm hành vi và có những những hình thức quản lý giám sát từ phía gia đình của người bắt nạt.

CẦN THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ BẢO VỆ CON TRẺ

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, khi trẻ bị bạo lực học đường, chúng ta thì cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho con. Gia đình và nhà trường cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành.

Cha mẹ và nhà trường cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành đã được con tiết lộ rồi thì cần hỏi con để biết tình hình để có cách thức hỗ trợ con tiếp theo.

Nhà trường cần cải thiện văn hóa học đường, nội quy rõ ràng, khen thưởng nhất quán; huấn luyện kỷ luật tích cực và quản lý hành vi lớp học tích cực.

Ban giám hiệu các trường cần xây dựng môi trường học đường an toàn; huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng, chống bạo lực; triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp học sinh giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực); tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên.

Bên cạnh đó, cần triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt (cho mọi đối tượng trong toàn trường); xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ bạo lực cao.

Nhà trường cần thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường; lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ).

Chuyên gia này cho rằng, việc quan trọng nhất thời điểm này là cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đối diện với bạo lực học đường. Cần phải dạy trẻ kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng và quản lý hành vi bắt nạt trên không gian mạng.

“Chúng ta cần dạy kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề, tăng sự kiên cường, kỹ năng nhận diện và đối diện với ý tưởng và nguy cơ tự sát. Bên cạnh đó, cần phải dạy trẻ kỹ năng ứng phó với bạo lực trực tiếp (bình tĩnh và tự tin, nói dừng lại, nếu đi quá giới hạn sẽ báo cáo; tự bảo vệ bản thân, tìm kiếm sự giúp đỡ chung quanh, ghi lại chứng cứ) và trực tuyến (không phản hồi, lưu bằng chứng; chặn, báo cáo) một cách đúng đắn.

Chúng ta cần giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em trở thành người tự tin, biết tự định hướng trong ứng xử, biết quan tâm đến mọi người và vấn đề xã hội đất nước, có tinh thần khát khao cống hiến”, ông Nam nói.

Để hạn chế bạo lực học đường, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra với học sinh, theo Phó Giáo sư Thành Nam, cần phải phát triển các chương trình giáo dục phòng ngừa bạo lực và bắt nạt, năng lực giải quyết vấn đề, giảm thành kiến.

Cần phải có nhóm hỗ trợ hòa giải, giáo dục pháp luật về phòng ngừa tội phạm, giáo dục thanh thiếu niên về bạo lực trong các buổi hẹn hò, bạo lực trong gia đình và xã hội. Đồng thời, cần phải có những lớp giáo dục kỹ năng dạy con cái cho cha mẹ; kỹ năng kỷ luật tích cực cho giáo viên

Bên cạnh đó, cần phải cải thiện văn hóa học đường, thiết lập quy tắc ứng xử dựa trên yêu thương, tôn trọng và an toàn. Các nhà trường cần phải tăng cường kiểm tra việc ra vào trường để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Đặc biệt, các trường cần phải triển khai triệt để vai trò của Phòng Tham vấn tâm lý học đường vì đây là những “kiến trúc sư” của ngôi trường hạnh phúc.