34 người chết, 18 người mất tích tại Cao Bằng
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, do mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 7 đến 8/9/2024, đặc biệt mưa rất to trong ngày và đêm 8/9 đến sáng 10/9/2024 xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh gây ngập lụt khu vực ven sông vùng trũng thấp. Kèm theo đó là mưa lớn, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh gây ngập úng một số khu vực dân, cư của thành phố Cao Bằng, huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An.
Sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ các khu vực huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt xảy ra sạt lở đất tại xã Yên Lạc, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, trụ sở cơ quan, đơn vị,…).
Cao Bằng: Hiện trường tìm kiếm nạn nhân sạt lở đất ở Lũng Lỳ, xã Ca Thành
Thiệt hại về người tại Cao Bằng là có 34 người chết, bị thương 17 người và mất tích 18 người.
Có 1.263 nhà bị thiệt hại (trong đó 26 nhà bị sập đổ hoàn toàn 26, 1.237 nhà bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái).
1.555,14 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ,vùi lấp; 1,9 ha diện tích nuôi cá, 13 ao nuôi cá truyền thống, 2,4 tấn cá thương phẩm bị trôi, tràn bờ; 2 lồng nuôi cá bị trôi, hư hỏng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập nước. Giá trị thiệt hại ước tính là 125 tỷ đồng.
Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với lãnh đạo các sở, ban ngành đã đến kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Nguyên Bình; Thành lập Sở Chỉ huy cấp tỉnh đặt tại huyện Nguyên Bình do đồng chí Hoàng Văn Thạch - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổng chỉ huy để chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai phương án ứng phó bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh.
Công tác bảo đảm trực ban phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được tổ chức nghiêm túc và bảo đảm việc thông tin, cảnh báo kịp thời.
Chính quyền địa phương huy động các lực lượng, vận động nhân dân hỗ trợ giúp đỡ nhau chủ động khắc phục nhà ở bị thiệt hại; các nhà ở bị sạt lở đang có nguy cơ bị sạt tiếp đã sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Đến nay các thành phần tham gia cứu hộ, cứu nạn các cấp đang có mặt tại hiện trường thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.
Bắc Kạn thiệt hại khoảng 188 tỷ đồng do bão số 3
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Bắc Kạn, do chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, các khu vực trong tỉnh Bắc Kạn từ chiều ngày 6 đến sáng 11/9 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to trên diện rộng.
Từ ngày 8/9/2024, trên các triền sông suối đã có lũ lớn với biên độ từ 3-9m, trên sông Cầu, Sông Năng lũ đã đạt mức trên báo động cấp 3, thời điểm hiện tại mực nước lũ trên Sông Năng dưới báo động cấp 2; trên sông Cầu dưới báo động cấp 1.
Riêng tại Nam Cường, lũ vẫn trên báo động cấp 3 và rút rất chậm.
Bắc Kạn tập trung cứu trợ ở “rốn lũ” Nam Cường
Mưa to, lũ lớn đã gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, công trình cơ sở hạ tầng.
Có 3 người bị thương nhẹ. Tổng số trên 1.968.43 ha các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản và 1.958 nhà bị thiệt hại. Về giao thông sạt lở nhiều tuyến đường và nhiều thiệt hại khác.
Hiện tại ngập úng cục bộ tại một số vùng trũng thấp (Nam Mẫu, Khang Ninh - Ba Bể, Nam Cường - Chợ Đồn, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, huyện Chợ Mới) hiện nước đang rút chậm. Tổng giá trị thiệt hại ước tính là 188 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, các thành viên Ban chấp hành về Phòng, chống thiên tai, các sở, ngành tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra xuống tận nơi vùng ngập, sạt trượt..., hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục huy động lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ nhân dân các vùng bị thiên tai nặng, đặc biệt là khu vực ngập sâu tại Nam Cường, Chợ Đồn; Nam Mẫu Ba Bể khắc phục hậu quả, vận chuyển, cấp phát nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân.
Các cấp chính quyền đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối với nhà bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao; Sở Giao thông vận tải huy động máy móc, thiết bị, lực lượng đang tổ chức khắc phục sạt lở, bảo đảm thông đường bước 1 đối với các vị trí bị sạt lở.
Đối với công tác bảo bảo đảm an toàn, các cấp chính quyền, đơn vị liên quan thực hiện công tác trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để phòng tránh; tổng hợp báo cáo thiệt hại theo quy định.