Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra phòng chống, ứng phó thiên tai tại Cao Bằng

NDO - Chiều 10/9, đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về tình hình thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất; công tác ứng phó, tìm kiếm người bị nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính phát biểu ý kiến trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính phát biểu ý kiến trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Cao Bằng thực hiện tốt "5 không": Không để dân đói; không để dân khát (thiếu nước sạch); không để học sinh không được đi học; không để người dân không có nơi ở trong phòng, chống thiên tai; không để dân không được khám, chữa bệnh.

Báo cáo của Tỉnh ủy Cao Bằng nêu những con số thiệt hại nặng nề về người và của tại địa phương.

Đến nay, tại địa phương có 24 người chết, 12 người bị thương và 31 người mất tích (số người mất tích vẫn đang cập nhật và thống kê).

Về nhà ở, có hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, thiệt hại. Trong đó, có 22 nhà hư hỏng hoàn toàn.

Có hơn 1.500ha lúa, hoa màu tại các địa phương bị thiệt hại. Khoảng 1.000 gia súc của người dân bị thiệt hại.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra phòng chống, ứng phó thiên tai tại Cao Bằng ảnh 1

Đoàn công tác Chính phủ theo dõi clip về tình hình mưa lũ, thiệt hại tại tỉnh Cao Bằng.

Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, có gần 200 điểm sạt lở, ách tắc.

Nhiều cơ sở hạ tầng tại địa phương bị sạt lở, ngập lụt, thiệt hại. Tại huyện Bảo Lạc, nhiều khu vực bị cô lập trong nước lũ.

Tại huyện Nguyên Bình, xảy ra sạt lở đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngày 9/9, tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, sạt lở đất xảy ra lúc 2 giờ sáng làm 6 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp; có 8 người chết, 10 người bị thương, 3 người đang mất tích.

Tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông, lúc 4 giờ sáng xảy ra sạt lở đất khiến 1 nhà dân sụp đổ, 1 người chết.

Tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, sạt lở đất lúc 5 giờ sáng làm 5 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp; 2 người chết, 5 người bị thương, 5 người mất tích.

Vào hồi 5 giờ 45 phút, tại km180+680 quốc lộ 34, đoạn qua xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, 3 xe ô-tô (trong đó, có 1 xe khách, với khoảng 25 người trên xe), 9 xe máy bị đất đá sạt lở vùi lấp, đẩy xuống suối, bị cuốn trôi.

Tại đây, có 12 người chết, 2 người bị thương và khoảng 23 người mất tích (đang tiếp tục xác minh con số chính xác).

Ứng phó tình huống khẩn cấp do thiên tai, quyết liệt, tích cực ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Cao Bằng đã huy động hơn 4.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cùng lực lượng dân sự tại chỗ cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra phòng chống, ứng phó thiên tai tại Cao Bằng ảnh 3

Quang cảnh buổi làm việc.

Quân khu 1 cũng đã cử lực lượng, phương tiện, thiết bị hỗ trợ tỉnh Cao Bằng tìm kiếm, cứu nạn tại huyện Nguyên Bình.

Tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hơn 1.000 gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ di dời người dân ở trong khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã đến các “điểm nóng” thiên tai kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, hỗ trợ người dân.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra phòng chống, ứng phó thiên tai tại Cao Bằng ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh báo cáo với đoàn công tác Chính phủ tình hình mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại tại địa phương.

Tỉnh Cao Bằng đề nghị, Trung ương hỗ trợ địa phương 75 tỷ đồng; 50 tấn gạo giúp khắc phục hậu quả thiên tai.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chia sẻ với những thiệt hại nặng nề do thiên tai xảy ra tại tỉnh Cao Bằng, địa phương có nhiều người chết do sạt lở đất, mưa lũ.

Đánh giá cao sự tích cực, chủ động, quyết liệt, sâu sát của Cao Bằng trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Cao Bằng khảo sát, nghiên cứu, trồng cây (si, tre, vầu) tại các vị trí xung yếu, dễ sạt lở, bờ sông, suối. Nghiên cứu đóng cọc tre, xếp rọ đá, phòng, chống sạt lở tại vị trí nguy cơ sạt lở.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các lực lượng tỉnh Cao Bằng tập trung cứu chữa người bị thương; tìm kiếm người mất tích; nỗ lực, cảnh giác, không để xảy ra thêm thiệt hại; chăm lo, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ người dân.

Địa phương quán triệt, thực hiện tốt "5 không" trong phòng, chống thiên tai: Không để dân đói; không để dân khát (thiếu nước sạch); không để học sinh không được đi học; không để người dân không có nơi ở trong phòng, chống thiên tai; không để dân không được khám chữa bệnh.

Trước tình hình sạt lở, tắc nghẽn giao thông tại địa phương, đồng chí đề nghị địa phương bố trí nhân lực, phương tiện, xử lý, sớm thông các tuyến đường, bảo đảm giao thông thông suốt.

Các địa phương cũng cần quan tâm thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ.

Về kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Cao Bằng gửi Tờ trình để Chính phủ xem xét, giải quyết.