Theo đó, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định cho phép thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện thực hiện trộn vốn của ba chương trình mục tiêu quốc gia, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển.
Trong thực tế, tiến độ triển khai các nghị quyết của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuy đạt những kết quả quan trọng nhưng còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng chậm ban hành văn bản hoặc văn bản ban hành quá nhiều; nội dung các văn bản liên quan đến triển khai thực hiện chương trình chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn, dẫn đến nhiều văn bản khác...
Trong các nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn bố trí cho chương trình, yêu cầu đầu tiên đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương là tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số chính sách để phù hợp với tình hình thực tiễn; nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo các cấp, công tác phối hợp, kiểm tra của các cơ quan Trung ương và địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các bộ chủ trì chương trình và cơ quan chủ trì dự án thành phần cần chủ động xây dựng để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, ngay sau khi kế hoạch vốn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền thông qua và giao vốn. Về phía các địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt công tác kế hoạch năm 2024, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác theo đúng quy định, bảo đảm phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chồng chéo.
Một nội dung quan trọng khác cần ưu tiên thực hiện là khẩn trương xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia tại các cấp, nhất là việc tích hợp, liên thông dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia để có cơ sở cập nhật, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện...
Để các chương trình mục tiêu quốc gia về đích đúng hạn, việc xây dựng cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn đang cản trở hoạt động triển khai thực hiện các chương trình là rất cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội đất nước, việc cho phép chuyển nguồn, trộn vốn được xem là giải pháp hiệu quả mang tính ngắn hạn, linh hoạt nhưng có tác dụng đem lại hiệu quả lâu dài.