Định vị kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới

Thuốc chữa bệnh “ngại lớn” của doanh nghiệp

Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và chỉ cần 10% số hộ kinh doanh này chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn động lực to lớn trong khu vực kinh tế tư nhân. Khi đó, mục tiêu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 cũng không còn xa vời.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Sản xuất tăm hương truyền thống tại hộ gia đình ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Ảnh minh họa: Sản xuất tăm hương truyền thống tại hộ gia đình ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Nhiều năm nghiên cứu về kinh tế tư nhân, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định, các tổ chức kinh tế tư nhân “không muốn lớn” bởi họ thường ưa chuộng hình thức kinh doanh phi chính thức hơn là các loại hình doanh nghiệp có đăng ký, dẫn đến thực trạng doanh nghiệp vừa không muốn lớn, vừa không thể lớn. Đây có thể là văn hóa kinh doanh, nhưng Nhà nước cần truyền thông, khuyến khích sự thay đổi, nhất là tạo ra thể chế luật pháp dễ thực thi, dễ tuân thủ để những ai tuân thủ đúng, thực thi đủ sẽ có lợi nhiều hơn.

"Dọn chỗ" cho hộ kinh doanh

Không chỉ được vinh danh là “nhà khoa học của nhà nông” nhờ những đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, chị Phạm Thị Lý còn là một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm khi đã trải qua nhiều vị trí như giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, giám đốc hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Công ty Sâm Nhất Dương Sinh do chị sáng lập nhiều năm nay luôn giữ vững vị thế trên thị trường, liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng như sâm nhất dương sinh, sâm nhất bạch ngọc hay trà hoa vàng, giống trà đặc sản của vùng đất Thái Nguyên với giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, từ tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp của chị Lý đã hoàn tất mọi thủ tục để chính thức dừng hoạt động và trở về mô hình hộ kinh doanh. Giải thích về quyết định này, theo chị Lý, hoạt động của một doanh nghiệp thường gặp phải nhiều vướng mắc liên quan quản trị, kế toán, thuế, trong khi không phải chủ doanh nghiệp nào cũng hiểu biết hết các kiến thức hoặc đủ khả năng chi trả cho bộ máy nhân sự chuyên nghiệp. Còn với hộ kinh doanh thì công tác kế toán và thủ tục nộp thuế sẽ “nhẹ” và “dễ thở” hơn rất nhiều. “Quan trọng là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nếu hoạt động tốt, đúng pháp luật đều mang lại của cải vật chất cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung”, chị Lý chia sẻ.

Câu chuyện nêu trên chính là trăn trở lớn của Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, người luôn chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh chuyển mình thành doanh nghiệp. Theo nghiên cứu, mặc dù hộ kinh doanh với số lượng lao động ít nên dễ quản lý, chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, nộp thuế khoán ít,… nhưng nhược điểm của mô hình này cũng rất rõ ràng bởi không có tư cách pháp nhân nên khó huy động vốn và mở rộng hoạt động.

Bên cạnh đó, với đặc trưng kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh còn hạn chế về năng lực kinh doanh, ứng dụng công nghệ và trình độ quản lý, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, năng suất lao động không cao, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước chưa tương xứng (số lượng hộ kinh doanh gấp khoảng 6 lần số doanh nghiệp, nhưng số thu thuế của hộ kinh doanh chiếm chưa đến 2% tổng thu ngành thuế). Mô hình hộ kinh doanh rất khó lớn vì chỉ thích hợp với hoạt động quy mô nhỏ tại các địa phương và trong phạm vi hẹp của một số ngành thương mại, dịch vụ, phục vụ cá nhân và cộng đồng.

Chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh là chủ trương “win-win”, vừa là cơ hội lớn mạnh cho các chủ thể kinh doanh, vừa mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp năm 1999. Giai đoạn tiếp theo, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã có các chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh và nhiều địa phương cũng ban hành hàng loạt cơ chế khuyến khích, nhưng tỷ lệ chuyển đổi thực tế vẫn rất thấp bởi phần lớn người kinh doanh còn e ngại gánh nặng thủ tục pháp lý đang áp lên doanh nghiệp.

Cần “dọn chỗ” trong Luật Doanh nghiệp cho hộ kinh doanh chuyển đổi bằng cách bổ sung loại hình doanh nghiệp cá thể/một chủ có thủ tục đăng ký dễ dàng, chi phí tuân thủ quy định pháp lý thấp, chế độ kế toán, báo cáo tài chính đơn giản và gọn nhẹ hơn so với các loại hình doanh nghiệp hiện có, phù hợp khả năng của các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cá thể hay hộ kinh doanh gia đình.

Tiến sĩ Lê Duy Bình

Theo thống kê, giai đoạn 2018-2020, cả nước chỉ có hơn 1.800 doanh nghiệp thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh và hết năm 2022 mới đạt khoảng 2.200 doanh nghiệp. Để giải bài toán này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị sớm ban hành nghị định về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ, trong đó tập trung vào ba nhóm chính sách: Miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm đầu tiên mới hoạt động; đơn giản hóa thủ tục, quy trình nâng cấp từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ; hỗ trợ về quản trị, sổ sách kế toán, thông tin thị trường, đối tác, bạn hàng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình đề xuất cần “dọn chỗ” trong Luật Doanh nghiệp cho hộ kinh doanh chuyển đổi bằng cách bổ sung loại hình doanh nghiệp cá thể/một chủ có thủ tục đăng ký dễ dàng, chi phí tuân thủ quy định pháp lý thấp, chế độ kế toán, báo cáo tài chính đơn giản và gọn nhẹ hơn so với các loại hình doanh nghiệp hiện có, phù hợp khả năng của các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cá thể hay hộ kinh doanh gia đình. Đây là yếu tố quyết định tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp này, khiến phần lớn người dân ở các nước phát triển lựa chọn khi tiến hành đăng ký kinh doanh, tương tự như người dân Việt Nam luôn chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể.

Doanh nghiệp một chủ hiện chiếm số đông trong doanh nghiệp đăng ký tại Singapore, chiếm 70% số lượng doanh nghiệp của Mỹ. Quan trọng hơn, mô hình doanh nghiệp một chủ sẽ giúp ý tưởng kinh doanh của mỗi người dân dễ dàng đi vào thực hiện nhanh chóng, được thử nghiệm trong môi trường kinh doanh, tức là được khởi nghiệp một cách thuận lợi nhất và dễ dàng tiếp cận nguồn lực cho phát triển.

Không cào bằng chính sách

“Hình thái của kinh tế tư nhân Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so thời kỳ đầu Đổi mới”, Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phân tích. Chúng ta đã có những doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn, chiếm khoảng 2% tổng số doanh nghiệp hiện có; tiếp đó là khoảng 4% số doanh nghiệp vừa, 25% số doanh nghiệp nhỏ và còn lại là 70% số doanh nghiệp siêu nhỏ cộng thêm khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Nhưng khi so sánh các nước phát triển, cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam đang thể hiện rõ tính hạn chế bởi sự thiếu vắng của các doanh nghiệp vừa và lớn.

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân chắc chắc sẽ tạo ra cuộc cách mạng về cải cách nhằm cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, kèm theo nhiều giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, có sứ mệnh dẫn dắt, hỗ trợ trở lại các doanh nghiệp nội địa khác cùng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để hiện thực hóa các chủ trương sẽ có trong nghị quyết, việc thiết kế chính sách cũng cần thực sự đột phá với tư duy mới, tránh cách làm dàn trải, áp dụng đồng đều chung cho mọi doanh nghiệp.

Ông Nam đề xuất cụ thể: Doanh nghiệp quy mô khác nhau thì nhu cầu hỗ trợ cũng khác nhau. Các doanh nghiệp vừa và lớn, nhất là đã tham gia xuất khẩu, đều có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ngân hàng, nhưng điều họ thật sự cần là vay được những khoản vay trung hoặc dài hạn với lãi suất thấp để phục vụ đổi mới sáng tạo hoặc triển khai các ý tưởng kinh doanh mới.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường ưu tiên khả năng tiếp cận nguồn vốn hơn là lãi suất. Chính vì vậy, xây dựng chính sách cần tính toán chi tiết, ban hành riêng cho từng nhóm quy mô doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước đã có chính sách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, nhưng cũng cần ưu đãi cho cả doanh nghiệp vừa bởi doanh nghiệp vừa là cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, liên kết doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa sẽ tạo điều kiện để họ tiếp tục phát triển thành các doanh nghiệp lớn, thành các “sếu đầu đàn” dẫn dắt cả cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng quan điểm cần thay đổi tư duy thiết kế chính sách cho doanh nghiệp, Trưởng Nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) Trần Toàn Thắng viện dẫn kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) là không xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dàn trải, thay vào đó tập trung cho các doanh nghiệp “đầu tàu” với điều kiện phải dẫn dắt được các doanh nghiệp nhỏ hơn cùng phát triển. Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lớn cả về thông tin, quản trị, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới,… theo nguyên tắc doanh nghiệp nhỏ phải được đồng hành.

Tuy đã có nhiều cải cách trong những năm qua, nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn không ít khiếm khuyết lớn. Trước hết, hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc, nhiều quy định chồng chéo với nội dung thiếu rõ ràng, khó tuân thủ đã trở thành điểm nghẽn chính triệt tiêu đổi mới sáng tạo và thậm chí suy giảm lòng tin kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, dễ hiểu khi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn “khó lớn” hoặc “ngại lớn”. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc hóa giải các nút thắt về thể chế không dễ và cần nhiều thời gian, nhưng phải làm ngay để “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, biến khối này thành động lực chính cho phát triển kinh tế thời gian tới. Khi đã xác định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, giờ là lúc để chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng về cải cách thể chế kinh doanh, đưa cải cách trở thành “đột phá của đột phá.

> Doanh nghiệp tư nhân nghĩ lớn, làm lớn

>>> Chân dung thế hệ doanh nghiệp mới