Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sau 3 năm từ 2021 đến 2023 triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Đắk Lắk được giao tổng vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 3.431,8 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 2.289 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 1.142 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 3 năm 2021-2023 là hơn 1.097 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển hơn 927,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 387,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 540 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là hơn 169,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 115,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 54,2 tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện là hơn 696,3 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển hơn 382,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 347,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 34,8 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 313,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 285,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 28,4 tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện là hơn 1.637,7 tỷ đồng, bao gồm: vốn đầu tư phát triển hơn 978,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 886,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 92 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 660 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 599,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng…
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung trao đổi tại buổi làm việc. |
Trên cơ sở mục tiêu của từng chương trình và các quy định về địa bàn, đối tượng được hỗ trợ đầu tư từ các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã cân đối để bảo đảm việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phù hợp với quy định, vừa bảo đảm góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đối với Đắk Lắk do địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số đông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc cân đối, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, sau 3 năm thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 74/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 84/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về công tác giảm nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 12,79% cuối năm 2021 giảm xuống còn 10,94% vào cuối năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 1,5-2% so với năm 2022.
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 26,74% xuống còn 23,08%, giảm 3,66% so với cuối năm 2021, số hộ nghèo giảm từ 41.515 hộ xuống còn 35.982 hộ, giảm 5.533 hộ.
Từ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng lên về mọi mặt.
Tuy nhiên, do khung cơ chế chính sách triển khai chậm, chưa bảo đảm tiến độ thực hiện. Đồng thời, quy trình xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền của bộ, cơ quan Trung ương còn chậm; việc giao vốn chậm... đã ảnh hưởng đến việc triển khai và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Đại biểu các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk trao đổi, giải trình các nội dung theo yêu cầu của đoàn giám sát tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh về mô hình chỉ đạo, điều hành thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, của tỉnh và địa phương; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình; việc phân bổ nguồn vốn các chương trình và triển khai thực hiện trong phân cấp, phân quyền thực hiện các chương trình; kết quả thực chất và mục tiêu của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công văn số 555/TTg-QHĐP.
Việc quy định tránh chồng chéo, trùng lắp nguồn vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 và việc chậm phê duyệt, phân bổ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai lồng ghép đầu tư giữa các chương trình. Xem xét, quy định về việc thực hiện phân định đối với các xã, phường, thị trấn không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cho phù hợp… góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số đông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021-2025 có ý nghĩa hết hết sức quan trọng đối với tỉnh. Do đó, tỉnh sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của các chương trình. Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.
Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, trong thời gian tới tỉnh Đắk Lắk cần nỗ lực hơn nữa và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chương trình. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục rà soát các văn bản, chính sách còn bất cập để kiến nghị Trung ương sửa đổi cho phù hợp, tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện; bảo đảm nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân… Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận, qua đó kiến nghị đến Quốc hội để tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Đoàn giám sát Quốc hội đã làm việc với một số sở, ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk; khảo sát một số công trình cầu, đường nông thôn được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp người dân thoát nghèo trên địa bàn huyện Ea Kar.