Vị trí sụt, tụt phát sinh từ mép bê tông mặt đê, đất gia cố mái đê phía sông có điểm sụt, tụt sâu 1,3m. Chân đê phía lòng sông có con mương rộng khoảng 5-6 m, chảy xuyên qua cống dưới đường dẫn ra bãi bồi rộng hơn 1km. Chi cục Thủy lợi phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa huy động phương tiện, nhân lực dùng cọc tre gia cố điểm sạt, phủ bạt che mái đê, hạn nước mưa xói trôi đất mái đê theo phương án: chỉ huy, nhân lực, vật tư, hậu cần tại chỗ.
Đi kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa tiếp tục cắt cử lực lượng canh đê 24/24 giờ theo dõi diễn biến của sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm các xe có tải trọng trên 10 tấn lưu thông qua đoạn đê này.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cụ thể hiện trạng sụt lún, có phương án xử lý khẩn cấp công trình, gia cố mái đê, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển bố trí nguồn vốn khắc phục triệt để sự cố.