Bình luận quốc tế

Thế khó trước nguy cơ suy thoái toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, các ngân hàng trung ương phải hành động dứt khoát để đưa lạm phát về mức mục tiêu, trong bối cảnh chỉ số kinh tế quan trọng này hiện lên cao nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, để giảm lạm phát và duy trì môi trường tài chính ổn định là thách thức lớn, khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều nước đang làm tăng nguy cơ suy giảm kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng hàng hóa ở Hamburg (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảng hàng hóa ở Hamburg (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu được công bố ngày 11/10, IMF nêu rõ: Nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn đầy thách thức do giá cả và lãi suất tăng mạnh đe dọa đà phục hồi trên toàn thế giới. Cả các nền kinh tế phát triển và đang nổi lên đều đối mặt những vấn đề ngày càng gia tăng.

Để kiềm chế sức ép lạm phát, theo IMF, các ngân hàng trung ương cần hành động quyết liệt để chỉ số này đi xuống và việc thực hiện những cam kết của các nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng duy trì mức độ tin cậy, tránh gây chao đảo thị trường.

Cảnh báo của IMF được đưa ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong năm nay. Một số thành viên Ban lãnh đạo của FED cho biết, Mỹ sẽ cần tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản nữa nhằm kiềm chế giá tăng cao. Lạm phát tại Mỹ đã lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Theo các quan chức FED, việc ổn định giá đòi hỏi tăng lãi suất liên tục, sau đó siết chặt chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian cho đến khi FED tin rằng có thể đạt mục tiêu đưa lạm phát trở về mức 2%.

Ngân hàng trung ương Canada (BOC) cũng nhận định, tăng lãi suất là cần thiết để kiềm chế lạm phát. Đây là tín hiệu cho thấy khả năng BOC sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế Canada đã tăng trưởng chậm lại và lạm phát bắt đầu giảm.

BOC đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 3 vừa qua, từ 0,25% lên 3,25% trong khuôn khổ của một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất được ghi nhận ở Canada. Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện, khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng 7%, nhẹ hơn so với mức 7,6% trong tháng 7 và 8,1% hồi tháng 6. Tuy nhiên, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của BOC đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường bất động sản.

Giới phân tích cảnh báo, cái giá phải trả cho các biện pháp mạnh tay chống lạm phát là nguy cơ suy thoái kinh tế. Các quan chức hàng đầu của FED gần đây thừa nhận, Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn.

Theo chuyên gia tư vấn tài chính của IMF, thị trường toàn cầu đang trong trạng thái căng thẳng khi các nhà đầu tư ngày càng muốn tránh rủi ro trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính sách gia tăng. Giá tài sản tài chính đã giảm do chính sách tiền tệ thắt chặt, trong khi triển vọng kinh tế xấu đi và nỗi lo suy thoái gia tăng.

Đặc biệt, tình hình thị trường bất động sản tại nhiều nước đang dấy lên lo ngại về rủi ro có thể lan rộng sang cả các ngân hàng và nền kinh tế vĩ mô. Các thị trường đang nổi đứng trước một loạt rủi ro, từ chi phí vay cao và lạm phát, đến trạng thái thiếu ổn định trên thị trường hàng hóa.

Trong khi đó, nhằm đối phó lạm phát đang ở mức 10%, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất huy động thêm 1,25 điểm phần trăm và dự kiến tăng thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 27/10 tới.

Tuy nhiên, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell (G.Bo-ren) cảnh báo, xu thế tăng lãi suất do FED dẫn đầu đang gây nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Ông Borrell cho rằng, các ngân hàng trung ương buộc phải hành động theo các đợt tăng lãi suất nhiều lần của FED để ngăn đồng tiền của họ mất giá so với đồng USD.

Trong dự báo về kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF đã hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái vào năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cũng cho rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023 đã tăng lên khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể dẫn đến những yếu tố tiêu cực tác động tới tăng trưởng kinh tế, đặt các nước vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong nỗ lực hạ nhiệt “cơn sốt lạm phát”.