EIU dự báo nguy cơ kinh tế thế giới trở lại suy thoái trong hai năm tới là 40%. Nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2012, giảm so ước tính 2,6% của năm 2011. Các nền kinh tế châu Á sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả hơn so việc giảm kim ngạch xuất khẩu và kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Các điều kiện tín dụng tại châu Á cũng bị thắt chặt vì các ngân hàng châu Âu đang chịu sức ép phải cắt giảm cho vay ra nước ngoài. Ðể đối phó thực trạng này, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á có xu hướng quay trở lại ưu tiên kích thích kinh tế. Quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại được Ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa ra hồi đầu tháng 12 để hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế có thể được xem là một động thái theo xu hướng này. EIU dự báo kinh tế Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2012, vì vậy Trung Quốc vẫn có thể là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực.
EIU nhận định nếu Eurozone tan rã trong hai năm tới, tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng. Dù các nước châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ tìm cách đối phó thông qua các chính sách tiền tệ và tài chính, nhưng các nhà hoạch định châu Á cũng không thể ngăn chặn một cuộc suy thoái của kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể là một cuộc suy thoái sâu.