Theo đó, tính đến hết tháng 8/2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai Chương trình.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện nói chung đang chậm so mục tiêu đề ra; văn bản hướng dẫn mới cơ bản hoàn thành, còn một số văn bản của tiểu dự án chưa được ban hành; một số tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo; tiến độ giải ngân vốn cho chương trình đến thời điểm này mới đạt hơn 7%, ảnh hưởng việc hiện thực hóa các chính sách hướng về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cho biết: Đây là một chương trình mục tiêu quốc gia mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể, cho nên rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai… Do đó, cần tập trung đôn đốc một số bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn; ưu tiên tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp; hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư bảo đảm kịp thời, đúng kế hoạch…
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt; Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành có nhiều cố gắng trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn còn chậm. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản. Đồng thời, cần đánh giá sự phù hợp của các văn bản, nhất là tính khả thi, để điều chỉnh phù hợp thực tế.
Để khắc phục sự chậm trễ, nhất là ở các địa phương, cần đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tiếp tục bảo đảm nguyên tắc đầu tư công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện. Một nội dung quan trọng khác cần được quan tâm cụ thể hơn nữa, đó là đa dạng hóa nguồn lực theo hướng khẳng định ngân sách nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định, cần huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Quá trình đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng cần chú trọng phòng, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham ô, tham nhũng. Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành; xử lý nghiêm, từ xa, từ sớm các vụ việc, biểu hiện có dấu hiệu vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, để nhân dân tích cực tham gia quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình.